Trung Quốc - Thái Lan - Ấn Độ làm gì để đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt

Theo Duy Quang/tapchicongthuong.vn

Kinh nghiệm từ các quốc gia có hoạt động chế biến chế tạo lớn chỉ ra rằng việc ổn định lực lượng lao động, đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt, tập trung bảo vệ theo chiều dọc các lĩnh vực trọng điểm là những yếu tố quan trọng để duy trì sản xuất ổn định, chung sống an toàn với dịch bệnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trung Quốc: Ổn định lực lượng lao động, đảm bảo các chuỗi cung ứng thông suốt

Vào cuối tháng 2/2020, ngay khi khoanh vùng được các ổ dịch COVID-19, Trung Quốc đã tái khởi động guồng máy kinh tế nhưng thực tế cho thấy phải đến tháng 7/2020 các hoạt động sản xuất công nghiệp tại nước này mới thực sự được khôi phục. Các biện pháp phong toả diện rộng đã khiến các nhà máy thiếu hụt trầm trọng lao động và các chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất bị tê liệt cả phía đầu vào lẫn đầu ra.

Trung Quốc đã tiến hành đánh giá và hỗ trợ khôi phục sản xuất theo các mức độ ưu tiên khác nhau, dựa trên mức độ tê liệt cũng như tầm quan trọng của ngành đó đối với tổng thể nền kinh tế. Trong giai đoạn đầu, các nhà máy sản xuất hàng hoá thiết yếu, các cơ sở sản xuất thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu, phục vụ xuất khẩu hoặc có chuỗi cung ứng kéo dài được ưu tiên hỗ trợ đầu tiên.

Để tháo gỡ việc thiếu hụt lao động, Chính phủ Trung Quốc đã sớm thống nhất quy định hệ thống mã y tế cá nhân và quy định di chuyển giữa các địa phương nhằm giúp lực lượng lao động vốn bị mắc kẹt tại nhiều nơi quay trở lại làm việc. Với cách tiếp cận “thiệt hại do ngưng sản xuất lớn hơn chi phí chống dịch”, nhiều địa phương nước này cùng hành động, mở các luồng di chuyển đặc biệt, khép kín dành riêng cho lực lượng lao động để di chuyển liên vùng, thậm chí hỗ trợ chi phí di chuyển và chi phí cách ly để khuyến khích công nhân nhanh chóng quay lại nhà máy.

Đặc biệt, Trung Quốc cũng xác định việc ổn định lực lượng lao động đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sản xuất. Nhiều biện pháp tổng hợp đã được thực hiện nhằm ổn định tâm lý người công nhân như các cam kết an sinh xã hội đối với lao động ngoại tỉnh, bố trí điều kiện sinh hoạt tốt, cung cấp đầy đủ đồ bảo hộ….

Về phía doanh nghiệp, các khu vực sản xuất được yêu cầu triệt để tuân thủ các quy định ngăn ngừa dịch lây lan như định kỳ vệ sinh khử khuẩn, bố trí lại mặt bằng, quy trình sản xuất… để tạo môi trường làm việc an toàn. Mỗi địa phương thành lập một nhóm công tác chuyên trách giám sát công tác tuân thủ, cập nhập những yêu cầu mới nhất về phòng chống dịch và hỗ trợ giải quyết các khó khăn. Công nhân cũng liên tục được xét nghiệm tầm soát dịch cho dù nhà máy đang ở vùng an toàn.

Đối với vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, việc thống nhất các điều kiện y tế, quy định di chuyển liên vùng, đặc biệt ưu tiên cho việc lưu thông nguyên liệu sản xuất và hàng hoá thuộc chuỗi cung ứng lạnh (cold chain) đã giúp Trung Quốc dần khơi thông dòng chảy sản xuất kinh doanh. Năng lực xử lý hàng hoá tại các trung tâm logistics như cảng biển và sân bay đều được tăng cường để giải phóng hàng hoá.

Việc các nhà máy dần đi vào hoạt động trở lại cũng góp phần giảm rủi ro tê liệt chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn được yêu cầu đánh giá lại chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với các chuỗi cung ứng trải dài, nhằm có biện pháp bảo vệ chuỗi và không để các chuỗi cung ứng đầu vào - đầu ra bị đứt gãy. Trung Quốc cũng tập trung kiểm soát tình hình cung – cầu các nguyên liệu, hàng hoá đầu vào cần thiết cho hoạt động sản xuất nhằm tránh tình trạng tắc nghẽn cục bộ hoặc đầu cơ trục lợi.

Lực lượng lao động trong các dịch vụ vận tải nội địa – quốc tế, xử lý xuất nhập khẩu cũng là đối tượng được nước này ưu tiên tiêm chủng đầu tiên trong chiến dịch tiêm chủng đại trà bắt đầu hồi tháng 1/2021.   

Việc tầm soát, xét nghiệm, truy vết và cách ly liên tục được thực hiện đã giúp Trung Quốc hạn chế tối thiểu các ổ dịch tại khu vực sản xuất bất chấp hơn 30 đợt bùng phát trong suốt 1 năm vừa qua. Tuy nhiên, sự bùng phát của ổ dịch TP. Nam Kinh sau đó lan rộng đến nhiều tỉnh, thành khác của Trung Quốc hồi cuối tháng 7/2021 cho thấy tâm lý chủ quan, lơ là biện pháp phòng dịch có thể khiến dịch bệnh tái bùng phát bất kỳ lúc nào.

Đợt bùng phát này được đánh giá có mức độ nghiêm trọng nhất chỉ sau đợt bùng phát dịch đầu tiên tại TP. Vũ Hán, gây gián đoạn hoạt động của nhiều trung tâm sản xuất và các cảng biển phía Đông nước này trong suốt tháng 8 vừa qua.

Hiện tại, với tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều đạt 60% dân số trưởng thành, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt tại các nhà máy cũng như khu vực công cộng để giảm thiểu nguy cơ tái bùng phát dịch.

Thái Lan: Tập trung bảo vệ các lĩnh vực sản xuất trọng điểm, xuyên suốt chiều dọc chuỗi cung ứng

Thái Lan, trung tâm sản xuất lớn tại Đông Nam Á, cũng đang thực hiện nhiều biện pháp với trọng điểm bảo vệ lĩnh vực sản xuất chế tạo nhằm duy trì động lực sản xuất và củng cố niềm tin của giới đầu tư khi nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu tiếp tục đứt gãy bởi biến chủng COVID-19 Delta.

Cuối tháng 8 vừa qua, nước này đã thí điểm mô hình Hộp cát nhà máy”với nhiều điểm tương tự mô hình “3 tại chỗ” của Việt Nam. Theo đó, mô hình này tập trung vào các nhà máy sản xuất các mặt hàng như ô tô, thiết bị điện tử, thực phẩm, thiết bị y tế để xuất khẩu và nằm tại những tỉnh công nghiệp trọng điểm. Để tham gia chương trình, nhà máy phải có ít nhất 500 công nhân, một bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở cách ly, và dịch vụ đưa đón nhân viên.

Tất cả công nhân tại nhà máy sẽ được xét nghiệm COVID-19 và những người có kết quả dương tính sẽ bị cách ly, trong khi nhóm còn lại sẽ được tiêm vaccine; việc xét nghiệm được thực hiện 7 ngày một lần. Chính phủ Thái Lan cho biết hiện có 60 nhà máy với tổng 138.000 công nhân tham gia thí điểm giai đoạn đầu.

Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều mới đạt 7% dân số trưởng thành và nguồn cung vaccine còn khan hiếm, Thái Lan hiện xem xét kế hoạch ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng công nhân theo chiều dọc của các chuỗi sản xuất quan trọng nhằm ngăn ngừa rủi ro đứt gãy sản xuất.

Ấn Độ: Áp dụng  mô hình bong bóng lao động"

Trong khi đó, tại Ấn Độ, nhiều nhà máy đã áp dụng mô hình “bong bóng lao động”, phân chia lực lượng lao động thành các nhóm làm việc trên nguyên tắc dự phòng và chức năng. Lực lượng lao động được phân chia theo công việc, nhiệm vụ riêng vào các nhóm (bong bóng) khác nhau và chỉ tương tác với những người trong nhóm.

Các bong bóng được thiết kể sao cho mọi hoạt động vẫn có thể tiếp diễn ngay cả khi bất kỳ bong bóng nào bị loại khỏi nhà máy. Các bóng bóng lao động được bố trí không gian và thời gian làm việc tách biệt nhằm hạn chế tiếp xúc; khu vực làm việc chung được khử khuẩn sau mỗi ca làm việc. Đặc biệt, thời gian làm việc của mỗi bong bóng được nâng từ 8 tiếng lên 10 tiếng hoặc 12 tiếng/ngày để đảm bảo năng suất tổng thể.

Đây được xem là giải pháp tình thế phù hợp để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều của Ấn Độ mới chỉ đạt 17% tổng số người trưởng thành và nước này đang đối mặt với rủi ro lớn bùng phát đợt dịch thứ 3.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng không có mô hình điểm cho việc khôi phục sản xuất và ngưỡng an toàn cho việc chấp nhận sống chung với virus COVID-19 khi xuất phát điểm của mỗi quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, các nước đều khôi phục sản xuất theo từng bước thận trọng với triết lý đảm bảo an toàn để người lao động, doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất kinh doanh.

Việc ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng lao động được xem là giải pháp tối ưu để giúp nền kinh tế sống chung với dịch bệnh. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì nghiêm ngặt các chính sách cũng như tinh thần sẵn sàng phòng chống dịch, tập trung bảo vệ các mắt xích trọng yếu của chuỗi cung ứng và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số là các giải pháp hiệu quả để phát triển sản xuất trong bối cảnh bình thường mới.