Vì sao Trung Quốc hạ loạt lãi suất chủ chốt?
Nomura Holdings kỳ vọng sẽ có thêm các đợt giảm lãi suất đối với các khoản vay thời hạn 1 năm và 5 năm đồng thời cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cho vay chuẩn trong ngày thứ Năm bởi những lo ngại về khả năng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng chững lại.
Theo CNBC, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ tỷ lệ lãi suất cho vay thời hạn 1 năm 10 điểm cơ bản từ 3,8% xuống còn 3,7%. Tháng 12/2021, PBOC từng hạ tỷ lệ lãi suất cho vay 1 năm lần đầu tiên tính từ tháng 4/2020.
Lãi suất cho vay thời hạn 5 năm được điều chỉnh giảm 5 điểm cơ bản xuống 4,65% từ 4,6%, đây là lần cắt giảm đầu tiên từ tháng 4/2020 ở thời điểm đại dịch COVID-19 đang vô cùng căng thẳng.
Lãi suất cho vay chủ chốt (LPR) ảnh hưởng đến lãi cho vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình tại Trung Quốc.
Phần lớn các khoản vay mới tại Trung Quốc được tính toán dựa trên lãi suất LPR thời hạn 1 năm tuy nhiên lãi suất thời hạn 5 năm ảnh hưởng đến giá nhà thế chấp, theo Reuters. Khảo sát mà Reuters thực hiện với các chuyên gia và thành viên thị trường cho thấy phần lớn kỳ vọng Trung Quốc sẽ hạ cả hai loại lãi suất trong ngày thứ Năm.
Việc hạ lãi suất như vậy tiếp nối cho nỗ lực của PBOC trong việc hạ lãi suất cho vay, theo tính toán của Capital Economics.
“Lãi suất thế chấp giờ đây sẽ giảm đi một chút, nhờ vậy sẽ giúp vực dậy nhu cầu nhà ở. PBOC đã khuyến khích các ngân hàng tăng cường cho vay thế chấp”, chuyên gia kinh tế chuyên về Trung Quốc tại Capital Economics – ông Sheana Yue phân tích.
“Các biện pháp hỗ trợ tập trung dành cho người mua bất động sản dường như hạn chế bớt những rủi ro tệ hại mà nền kinh tế đang phải đương đầu”, ông Yue nói.
Chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Nomura Holdings, ông Ting Lu, khẳng định tác động của các đợt hạ lãi suất sẽ khá hạn chế, bởi mức hạ lãi suất quá nhỏ để có thể tạo ra tác động thực tế.
Ông Lu phân tích: “Việc hạ lãi suất không đủ để giải quyết những yếu tố điểm nghẽn và bởi lãi suất các khoản thế chấp này sẽ không được điều chỉnh lại trong năm nay”.
Nomura kỳ vọng sẽ có thêm các đợt giảm lãi suất đối với các khoản vay thời hạn 1 năm và 5 năm đồng thời cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Dù rằng Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi các tác động của thời kỳ đại dịch COVID-19, tuy nhiên từ trong năm ngoái đã xuất hiện nhiều nỗi lo về khả năng tăng trưởng bền vững. Những nỗi lo này phát sinh khi mà tiêu dùng người dân đi xuống, các biện pháp quản lý được siết chặt hơn, lĩnh vực bất động sản khó khăn cũng như Bắc Kinh áp dụng chính sách “không COVID”.
Trong ngày thứ Hai, PBOC đã đi ngược mọi kỳ vọng của thị trường và hạ lãi suất cho vay với các khoản vay trung hạn lần đầu tiên tính từ tháng 4/2020.
PBOC công bố hạ lãi suất với khoảng 700 tỷ USD nhân dân tệ tức 110,33 tỷ USD các khoản vay thời hạn 1 năm với kênh trung hạn khoảng 10 điểm cơ bản từ 2,95% xuống 2,85%.
Ông Bruce Pang của China Renaissance nhấn mạnh rằng việc PBOC hạ nhiều loại lãi suất khác nhau sẽ giúp cho cả thị trường bất động sản đang suy giảm và nhóm các doanh nghiệp nhỏ đang khó khăn.
Việc cắt giảm nhiều loại lãi suất khác nhau gửi đi thông điệp rõ ràng về định hướng chính sách, nó phản ánh PBOC đang hành động nhanh chóng với những nỗ lực nhằm giảm chi phí tài chính, giảm áp lực với thị trường nhà đất và khuyến khích đầu tư, tiêu dùng.
Tăng trưởng GDP Trung Quốc quý 4/2021 chững lại còn 4,0%, tính cả năm 2021, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng được 8,1%. Việc đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc bùng phát và sự suy giảm của ngành bất động sản không khỏi cản trở quá trình tăng trưởng kinh tế.
Như vậy con số thống kê mới nhất của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cao hơn dự báo 3,3% với quý 4/2022 và 7,9% của cả năm 2021 theo khảo sát của Nikkei thực hiện với các chuyên gia kinh tế trước đó.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 4/2021 như vậy đã giảm đáng kể so với mức 4,9% của quý 3/2021, thấp nhất tính từ ngưỡng 3,2% trong quý 2/2020 khi mà Trung Quốc đang trải qua các đợt bùng dịch COVID-19 căng thẳng của năm đại dịch thứ nhất.
Còn nếu so với quý gần nhất, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khiêm tốn chỉ 1,6% khi mà các đợt bùng dịch dẫn đến các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo gây tổn hại đến tiêu dùng người dân. Cùng lúc đó, việc vỡ nợ của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc, đặc biệt phải kể đến Evergrande gây tổn hại đến niềm tin của người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản.
Tăng trưởng kinh tế chững lại sẽ dẫn đến việc giới chức Trung Quốc buộc phải hỗ trợ chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa, các chuyên gia kinh tế dự đoán, vào tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ đảm bảo ổn định.
Bắc Kinh có thể yên tâm nhờ vào việc nhu cầu bên ngoài với hàng hóa Trung Quốc tăng đẩy cao thặng dư thương mại lên mức kỷ lục 676,4 tỷ USD trong năm 2021, tăng khoảng 30% so với năm trước đó. Nền kinh tế của các nước đối tác thương mại của Trung Quốc hồi phục đáng kể. Xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng khoảng 30%.