Vì sao Việt Nam trở thành "thiên đường" mới của giới đầu tư bất động sản Trung Quốc?
Những chuyển biến gần nhất trên thị trường bất động sản cho thấy, Việt Nam sẽ là điểm đầu tư nước ngoài chủ lực của người Trung Quốc trong thời gian sắp tới. Theo juwai.com, trang web về bất động sản nước ngoài lớn nhất Trung Quốc, có 6 nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành ‘nơi được chọn’, sau Úc, Mỹ và Canada.
Theo South China Morning Post, các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc đại lục là những người mua bất động sản hàng đầu tại TP. HCM, nơi giá nhà đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 10 năm qua.
Ông Tram Cao, giám đốc kinh doanh của Sunwah Pearl, cho biết. “Khoảng 30% người mua của chúng tôi là người ngoại quốc. Người mua đến từ Trung Quốc chiếm nhiều nhất, tiếp theo là người mua Nhật Bản“.
Dự án Sunwah Pearl là khu phức hợp đa dụng gồm các căn hộ cao cấp, kết hợp thương mại và dịch vụ. Theo giới thiệu của Sunwah, Sunwah Pearl được ví như một “Hong Kong thu nhỏ” tọa lạc tại quận Bình Thạnh, TP. HCM.
“Khoảng 60% người mua nước ngoài đến từ Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc đại lục, trong đó người mua Hồng Kông chiếm phần lớn“, Bà Josephine Yen Nguyen, chuyên viên tư vấn mua bán nhà ở tại Savills, tiết lộ. Bà cũng nói thêm rằng, chính phủ Úc đã ban hành các quy định khắt khe hơn đối với thị trường bất động sản trong nước, do đó người mua Trung Quốc đã chuyển trọng tâm đầu tư sang các nước Đông Nam Á.
Còn theo báo cáo từ Juwai.com, kể từ đầu năm 2017, những yêu cầu mua nhà ở Việt Nam từ khách hàng của họ tăng đột biến: Lên đến 442%. 6 nguyên nhân sau đây khiến Việt Nam sẽ trở thành điểm đầu tư bất động sản hot nhất với giới thương nhân Trung Quốc.
Thay đổi luật sở hữu nhà đất
Năm 2015, chính phủ đã thay đổi điều luật về sở hữu nhà đất, mở cửa thị trường bất động sản Việt nam cho các nhà đầu tư quốc tế. Cụ thể: Điều luật mới quy định, bất kỳ người nước ngoài nào có thị thực Việt Nam và được phép vào Việt Nam, được phép mua nhà ở tại Việt Nam – bao gồm căn hộ, biệt thự và nhà phố – với thời hạn 50 năm. Khi thời hạn giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hết, họ cũng có quyền gia hạn thêm. Người nước ngoài khi kết hôn với công dân Việt Nam, có được quyền sở hữu nhà ở Việt Nam
Thay đổi này mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Trung Quốc, đặc biệt khi chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhất trong thị trường nội địa.
Giao thông thuận lợi hơn
Ngoài giao thông đường bộ và đường sắt, trong năm 2017, nhiều hãng máy bay Việt Nam và Trung Quốc đã khai trương nhiều đường bay nối các thành phố lớn giữa hai nước. VietJet vừa đưa đường bay Trịnh Châu/Hà Nam – Đà Nẵng hoạt động vào tháng 01. Tháng 04/2017, hãng máy bay giá rẻ Spring Airlines thông báo họ sẽ có 4 chuyến bay mới đi về giữa Thượng Hải và TP. Hồ Chí Minh. Vietnam Airlines khai thác đường bay Thường Châu/Giang Tô – Đà Nẵng vào tháng 06, Đà Nẵng – Lan Châu/Cam Túc vào tháng 07.
Chính sách visa thân thiện với người Trung Quốc
Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách Trung Quốc. Năm 2016, lượng khách du lịch Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng 51,4%, đạt 2,7 triệu người. Với những chính sách ưu đãi vừa công bố trong năm 2017, dự đoán lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam còn sẽ tăng cao nhiều hơn nữa.
Việt Nam chấp thuận cách đăng ký thị thực trực tuyến cho khách du lịch Trung Quốc ngắn hạn, cũng như các quyết định miễn phí thị thực trong 3 ngày, cho phép người Trung Quốc du lịch bằng xe hơi và theo nhóm theo đường bộ vào thị xã Quảng Ninh. Theo đó, số khách Trung Quốc đến Việt Nam đã tăng 63,5% trong Quý I/2017. Dự kiến, trong năm 2017, lượng du khách Trung Quốc sẽ tăng 48,1%, lên con số 4 triệu người.
Tốc độ phát triển khủng khiếp của Việt Nam
Với mức tăng trưởng kinh tế trung bình 5,9%, trong 5 năm qua, tăng trưởng của Việt Nam nói chung đã vượt trội so với khu vực Đông Nam Á – 5,0% và khu vực châu Á – Thái Bình Dương – 5,5%. Quan trọng hơn, tăng trưởng mạnh mẽ này dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai gần, với dự báo tăng trưởng 6,3% trong giai đoạn 2017 và 2020.
Trước sự phát triển vượt bậc đó của Việt Nam, chẳng có gi khó hiểu khi đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng vọt: 823,6 triệu USD, chiếm 10,86% tổng vốn FDI đăng ký trong Quý I/2017. Hiện tại, Trung Quốc chỉ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba, sau Hàn Quốc (3,74 tỷ USD) và Singapore (910,8 triệu USD), song điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai.
Giá bất động sản và lợi nhuận đầu tư hấp dẫn
So sánh nhiều khía cạnh, thậm chí giá và lợi nhuận đầu tư bất động sản Việt Nam còn hấp dẫn hơn Trung Quốc. Giá trung bình ở Hà Nội bằng 1/6 giá nhà ở Bắc Kinh, còn giá nhà trung bình ở TP Hồ Chí Minh bằng 1/3 Thượng Hải. Công ty JLL dự đoán, giá nhà Việt Nam sẽ còn tăng cao trong năm 2017. Lợi nhuận cho thuê nhà ở các thành phố lớn của Việt Nam cũng cao hơn 2,5% so với Bangkok, Singapore và Hong Kong.
Thị trường giáo dục quốc tế của Việt Nam bắt đầu phát triển
Giáo dục là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc. Những cải cách gần đây trong ngành giáo dục của Việt Nam, khiến người Trung Quốc cảm thấy hứng thú. Chính phủ Việt Nam vừa mở cửa ngành giáo dục cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc: Sắp bùng nổ của các trường học và trường đại học tiêu chuẩn quốc tế. Chuỗi giáo dục sớm Montessori vừa ra mắt trường học ở Việt Nam tháng 6/2017. Hệ thống trường Quốc tế Việt Úc cũng đang có kế hoạch mở rộng hoạt động.
Hiện tại, 3 thành phố thu hút nhiều nhà đầu tư Trung Quốc nhất chính là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nha Trang.