Việc sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp là cần thiết
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới đây đã được Chính phủ đề nghị hoãn trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới để tiếp tục sửa đổi toàn diện hơn.
Là một thành viên chủ chốt trong ban soạn thảo dự án luật, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã trao đổi cụ thể về vấn đề này.
PV: Thưa ông, Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã tạo ra sự đột phá lớn trong đời sống kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sau những lần được sửa đổi năm 2005 và 2014, luật không tạo ra bước ngoặt như chúng ta kỳ vọng. Lần này, xin hỏi rất thẳng thắn, việc tạm gác, chưa xem xét, thông qua sửa đổi Luật Doanh nghiệp (và Luật Đầu tư) như dự kiến có làm ông thấy… buồn?
TS. Phan Đức Hiếu: Không hề. Cá nhân tôi cũng mong muốn việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nói riêng (và cả Luật Đầu tư nói chung) triệt để hơn nữa. Vì thế, việc xem xét để sửa đổi, bổ sung toàn diện hơn là rất cần thiết.
Nhưng cũng phải nói rất thật là trên thực tế, Luật Doanh nghiệp chỉ điều chỉnh khâu gia nhập thị trường và vấn đề quản trị mà thôi, không nên quá kỳ vọng vào việc chỉ sửa Luật Doanh nghiệp mà “nâng cấp môi trường kinh doanh một cách đột phá được”.
Cụ thể hơn, ông cho rằng có thể tiếp tục sửa đổi, bổ sung những vấn đề gì?
Nhiều thay đổi mới nhìn tưởng nhỏ, nhưng gộp lại toàn thị trường, gộp lại tất cả các khâu, mỗi khâu một chút, vẫn có thể tạo ra hiệu quả rất lớn. Lấy ví dụ khâu gia nhập thị trường. Việt Nam hiện nay xếp thứ 104 thế giới, với 10 thủ tục, tính thời gian là mất 20 ngày.
Thời gian chờ đợi mất thêm một vài ngày, bạn có thể nghĩ “không vấn đề gì lớn”, nhưng chậm đi vào kinh doanh ngày nào là chi phí lãi vay, chi phí cơ hội nhân với số doanh nghiệp là không hề nhỏ. Nhìn vào quy trình hiện nay, tôi thấy vẫn còn những khâu có thể tiếp tục đơn giản hóa, bởi vì nó gây phiền phức, tốn kém mà lại chẳng có ý nghĩa gì lắm về mặt quản lý nhà nước.
Như nộp thuế môn bài, theo tôi, không nhất thiết phải tách thành thủ tục riêng, nên gộp vào để nộp luôn khi bắt đầu phát sinh nghĩa vụ thuế đầu tiên của doanh nghiệp.
Một thủ tục nữa là việc đăng ký lao động với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH). Luật hiện hành quy định trong 30 ngày kể từ khi thành lập, doanh nghiệp phải ra Sở LĐTB-XH trình báo về tình hình sử dụng lao động, rồi định kỳ 6 tháng, 1 năm phải cập nhật. Nhưng việc đăng ký ngay từ đầu có cần thiết không, vì khi bắt đầu triển khai hoạt động thì chắc chắn có biến động về số lao động sử dụng.
Tại sao không thể để sau 6 tháng báo cáo luôn, rồi định kỳ cập nhật? Khâu in hóa đơn cũng thế, tại sao vẫn mất đến 10 ngày? Hóa đơn điện tử là một giải pháp rất văn minh, thế mà không hiểu sao chúng ta vẫn ngần ngại không áp dụng!
Chỉ cần đơn giản hóa chút ít thế thôi, là đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ cho cộng đồng doanh nghiệp mỗi năm rồi. Tôi cho rằng, thời gian gia nhập thị trường từ 20 ngày có thể tiếp tục rút xuống chỉ còn 6 - 8 ngày.
Vừa qua, dư luận rất quan tâm đến sự kiện phát sinh ở tập đoàn Trung Nguyên vì “vụ ly hôn nghìn tỷ” của hai người đồng sáng lập đã bộc lộ rõ nét những bất cập trong quản trị của các doanh nghiệp trong nước. Ông có chia sẻ suy nghĩ này?
Đúng vậy. Với công ty cổ phần, vấn đề quản trị doanh nghiệp trở nên rắc rối hơn rất nhiều và chính ở nội dung này, khung khổ pháp lý đang bộc lộ những điểm bất cập. Tôi nghĩ, chỉ khi muốn huy động vốn trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp mới nên lựa chọn mô hình này. Kinh nghiệm quốc tế về quản trị tốt là phải tách bạch giữa sở hữu với điều hành, tránh việc điều hành bị chi phối bởi lợi ích riêng. Nếu làm được thế thì Trung Nguyên đã không bị khủng hoảng về quản trị.
Nhưng doanh nhân Việt Nam hiện nay khó chấp nhận việc bản thân mình nắm 90% vốn mà lại không trực tiếp điều hành, rồi người thân trong gia đình (vợ, con…) lại không được giám sát công ty.
Có nữ doanh nhân nói với tôi, ở doanh nghiệp của gia đình chị thì quản trị doanh nghiệp là chồng làm mọi thứ trong hàng rào, chị ấy phụ trách ngoài hàng rào. Thế thì rất gay. Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần hướng đến nâng cao chuẩn mực quản trị doanh nghiệp về quyền cổ đông để phòng chống những giao dịch tư lợi.
Còn vấn đề hộ kinh doanh, có nên “nâng cấp” hết lên doanh nghiệp hay không? Đây là vấn đề đang có những tranh luận trái chiều. Quan điểm của ông thì sao?
Quan điểm của tôi có hơi khác số đông. Không phủ nhận đây là thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp hơn 30% GDP. Đưa mô hình kinh tế hộ gia đình vào luật là để giúp họ hoạt động thuận lợi hơn, thông thoáng hơn, chứ không phải bắt họ tuân thủ chi phí cao hơn, hay chịu các thủ tục rườm rà hơn. Còn tại sao họ mới chỉ đóng góp 1,5% vào ngân sách thì đấy là do lỗi trong khâu thực thi chính sách chứ.
Tôi nghĩ với mô hình hộ kinh doanh thì những giải pháp quản trị phải khác với quản trị doanh nghiệp, kể cả thủ tục thành lập, gia nhập thị trường cũng thế. Đồng ý là tạo ra mặt bằng pháp lý chung, nhưng mục đích cuối cùng phải là nâng cao được tính chuyên nghiệp trong hoạt động, phải làm sao để họ tự nhận thấy chuyển đổi thành doanh nghiệp thì dễ thở hơn.
Quả thực trong một số ngành nghề có điều kiện thì hộ kinh doanh không được làm, nhưng đấy là lý thuyết, chứ thực tế với một hộ bán phở thì dù có trao cho họ quyền kinh doanh thiết bị vũ trụ họ cũng không làm, phải không? Hiện nay là với cùng quy mô, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý (cũng như chi phí kinh doanh cả chính thức lẫn phi chính thức) cao hơn; còn hộ kinh doanh nhẹ gánh hơn.
Cho nên đối với hộ kinh doanh, tôi đồng ý là điều chỉnh đối tượng này trong Luật Doanh nghiệp, nhưng không phải “đẩy” hết họ lên thành doanh nghiệp là xong, mà phải có quy định pháp luật phù hợp với họ trên nguyên tắc là nếu có cùng quy mô, cùng lĩnh vực kinh doanh thì trách nhiệm pháp lý phải như nhau.
Xin cảm ơn ông!