Viện trợ bằng tiền cho chương trình, dự án, phi dự án thực hiện thế nào?
Điều 12 Thông tư số 23/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định rõ về viện trợ bằng tiền cho chương trình, dự án, phi dự án do chủ chương trình, dự án bên Việt Nam thực hiện.
Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Theo Điều 12, Thông tư số 23/2022/TT-BTC, việc mở tài khoản tiếp nhận vốn viện trợ thực hiện theo thỏa thuận viện trợ và quyết định phê duyệt chương trình, dự án, viện trợ, chủ chương trình, dự án, phi dự án mở tài khoản tiếp nhận vốn viện trợ tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) hoặc ngân hàng thương mại theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này.
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày mở tài khoản, báo cáo Bộ Tài chính đối với viện trợ thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hoặc Sở Tài chính đối với viện trợ thuộc nguồn thu của ngân sách cấp tỉnh, đồng thời gửi KBNN thông tin về tài khoản tiếp nhận vốn viện trợ.
Đối với kiểm soát chi vốn viện trợ cho chương trình, dự án do chủ chương trình, dự án, phi dự án thực hiện kiểm soát chi tại KBNN nơi đăng ký đối với từng khoản chi ra từ nguồn vốn viện trợ theo quy định về quản lý NSNN. Trình tự, thủ tục kiểm soát chi thực hiện theo quy định pháp luật về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN.
Việc giải ngân vốn viện trợ từ tài khoản mở tại KBNN hoặc ngân hàng thương mại căn cứ thỏa thuận viện trợ, quyết định phê duyệt chương trình, dự án, phi dự án của cấp có thẩm quyền, dự toán chi NSNN; tiến độ thực hiện chương trình, dự án và xác nhận kiểm soát chi của KBNN.
Đối với khoản chi từ nguồn vốn viện trợ không được KBNN xác nhận kiểm soát chi, chủ chương trình, dự án, phi dự án hoàn lại vốn vào tài khoản tiếp nhận vốn viện trợ.
Việc hạch toán vốn viện trợ vào NSNN, hằng tháng hoặc theo từng lần phát sinh khoản chi từ tài khoản vốn viện trợ, trên cơ sở kiểm soát chi, hồ sơ ghi thu ghi chi theo quy định pháp luật của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN của chủ chương trình, dự án, KBNN thực hiện hạch toán thu, chi ngân sách trung ương hoặc ngân sách cấp tỉnh theo phân cấp quản lý NSNN theo quy định về căn cứ cơ quan tiếp nhận viện khoản viện trợ.
Trường hợp các khoản viện trợ ODA có cơ quan chủ quản là UBND cấp tỉnh, thực hiện hạch toán thu viện trợ của ngân sách trung ương và hạch toán chi ngân sách trung ương để bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp tỉnh. Đồng thời, hạch toán thu ngân sách cấp tỉnh từ nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương và hạch toán chi cho chương trình, dự án.
Đối với vốn viện trợ đã tiếp nhận vào tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, nhưng chưa chi và chưa được hạch toán thu, chi NSNN, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được khoản giải ngân của bên tài trợ, chủ chương trình, dự án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm chứng từ ghi có vào tài khoản, gửi đến KBNN và Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) đối với viện trợ thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hoặc Sở Tài chính đối với viện trợ thuộc nguồn thu của ngân sách cấp tỉnh để KBNN thực hiện theo dõi về số đã nhận viện trợ của chủ chương trình, dự án và để cơ quan tài chính thống kê. Đồng thời, chủ chương trình, dự án thông báo với cơ quan chủ quản để quản lý số vốn đã tiếp nhận.
Trường hợp chủ chương trình, dự án đã nhận tiền viện trợ nhưng chưa thông báo cho KBNN nơi giao dịch thì KBNN không thực hiện kiểm soát chi cho chương trình, dự án.
Trường hợp chủ chương trình, dự án là các doanh nghiệp nhà nước, việc hạch toán được thực hiện như sau:
- Đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trường hợp đủ điều kiện được tiếp nhận vốn viện trợ theo quy định tại Luật NSNN và Luật số 69/2014/QH13 của Quốc hội về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định pháp luật liên quan, căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép tăng vốn điều lệ tại doanh nghiệp, vốn viện trợ sử dụng được hạch toán thu NSNN và hạch toán chi NSNN để tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trường hợp đủ điều kiện được tiếp nhận vốn viện trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiếp nhận theo quy định của Luật NSNN, Luật Doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan, vốn viện trợ sử dụng được hạch toán thu NSNN và hạch toán chi NSNN để tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Đối với một số khoản chi khác đủ điều kiện thực hiện theo quy định, hạch toán thu NSNN và hạch toán chi NSNN theo quy định pháp luật về NSNN.
Thông tư số 23/2022/TT-BTC ngày 6/4/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2022, thay thế Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 21/12/2010 và bãi bỏ Thông tư số 109/2007/TT-BTC ngày 10/9/2007.