Chuyên gia HSBC:

Việt Nam cần chủ động trong việc tạo giá trị

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bên cạnh việc phân phối tín dụng một cách hiệu quả, tăng năng suất nông nghiệp hoặc gia nhập chuỗi cung ứng thế giới về mặt hàng điện tử... Việt Nam cần phải chủ động trong việc tạo giá trị thay vì cạnh tranh đơn thuần về số lượng và giá nhân công.

Việt Nam cần phải chủ động trong việc tạo giá trị thay vì cạnh tranh đơn thuần về số lượng và giá nhân công. Nguồn: internet
Việt Nam cần phải chủ động trong việc tạo giá trị thay vì cạnh tranh đơn thuần về số lượng và giá nhân công. Nguồn: internet
Đây là quan điểm của bà Trinh Nguyễn, nhà kinh tế học thuộc khối nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) khi trao đổi với PV Báo Điện tử Chính phủ về những thuận lợi và khó khăn của kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Kinh tế trong trạng thái ổn định

“Trong ngắn hạn chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam ở trạng thái ổn định. Các áp lực lạm phát ở mức nhẹ do nguồn cung thực phẩm dồi dào, cầu nội địa yếu, tăng trưởng tín dụng thấp và giá dầu cũng thấp. Trong những năm gần đây, thâm hụt thương mại của khối doanh nghiệp trong nước đã giảm, còn thặng dư thương mại của khối doanh nghiệp nước ngoài tăng góp phần ổn định tiền tệ và nền kinh tế”, bà Trinh Nguyễn cho biết.

Tuy nhiên, trong lúc ngành sản xuất của Việt Nam đang ngày càng mạnh lên thì ngành dịch vụ phát triển còn chậm. Dù nhân khẩu học chuyển biến mạnh và thu nhập tăng, nhưng do cầu nội địa yếu... đã kìm hãm sức phát triển của ngành dịch vụ.

Việc tín dụng được rót cho khối doanh nghiệp Nhà nước ở mức độ hạn chế đã khiến tăng trưởng thu nhập của lao động bị chững lại, nhất là người lao động ở phía Bắc.

Các hoạt động trong ngành bất động sản, dịch vụ tài chính và ngân hàng, các dịch vụ chăm sóc hộ gia đình và ngành bán lẻ đều cho thấy sức phát triển còn yếu. “Cho đến khi niềm tin người tiêu dùng hồi phục, chúng tôi tin rằng xuất khẩu là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay”, bà Trinh Nguyễn nhận định.

Giai đoạn thâm hụt thương mại cao đã kết thúc

Nhận định về kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới, bà Trinh Nguyễn cho rằng trong trung hạn, việc cải cách thị trường lao động, tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp phụ trợ là rất cần thiết để kinh tế Việt Nam có thể phát triển bền vững.

Việc kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài còn thấp và lao động thiếu tay nghề là những nguyên nhân khiến Việt Nam không thể tận dụng hết các lợi ích từ FDI, nhất là việc tiếp thu công nghệ.

Một ví dụ là xuất khẩu điện thoại và các phụ kiện điện thoại đang là một ngành xuất khẩu chính của Việt Nam, đóng góp hơn 15% tổng giá trị xuất khẩu tính từ đầu năm đến nay, từ mức 0% vào năm 2010. Nhưng bên cạnh nguồn nhân công giá thấp, chỉ có ít doanh nghiệp nội địa có thể cung cấp phần chi tiết đầu vào cho xuất khẩu điện thoại.

“Chúng tôi tin rằng, giai đoạn thâm hụt thương mại cao của Việt Nam đã kết thúc. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có các kế hoạch tập trung hơn vào việc gia tăng giá trị của ngành xuất khẩu nông sản, phát triển công nghiệp phụ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và tăng cường đào tạo tay nghề kỹ thuật”, bà Trinh Nguyễn kỳ vọng.

Kinh tế phát triển đúng hướng

Bà Trinh Nguyễn cho biết kinh tế Việt Nam đang phát triển đúng hướng như HSBC đã dự báo (dự kiến tăng 5,8%), nhỉnh hơn một chút với ước tính 5,7% cho năm 2014. Chúng tôi tin rằng nền kinh tế đã chạm mức thấp và đang trong quá trình hồi phục dần. Mục tiêu tăng trưởng 6,2% cho năm 2015 do Chính phủ đặt ra có thể cao hơn kỳ vọng của HSBC, tuy nhiên, kinh tế năm 2015 kỳ vọng xuất khẩu và đầu tư sẽ mạnh hơn, tiêu dùng cá nhân sẽ dần cải thiện.

Mục tiêu lạm phát 5% của năm 2015 trùng với dự đoán của HSBC; riêng mục tiêu thâm hụt ngân sách Nhà nước ở mức 5% GDP còn cần nhiều thông tin để đánh giá.

HSBC kỳ vọng CPI tiếp tục giảm do giá dầu và áp lực giá cả vận chuyển đều giảm. Sản lượng sản xuất sẽ tiếp tục tăng như chỉ báo chính của đơn hàng mới trừ đi lượng hạng tồn kho theo khảo sát PMI và dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên. Thương mại cũng sẽ bật tăng trở lại do nhu cầu từ thị trường Mỹ tăng.

Sẽ duy trì được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định

Cũng theo bà Trinh Nguyễn, nếu cầu nội địa cải thiện, tỷ lệ tăng trưởng có thể tăng lên rõ rệt. Việt Nam cũng đã trải qua chu kỳ cắt giảm vay vốn trước các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á, góp phần giúp Việt Nam có lợi thế hơn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á khi thanh khoản toàn cầu dần cạn kiệt.

Hiện Việt Nam vẫn chưa có nhiều đầu tư gián tiếp. Điều đó khiến Việt Nam phải cải thiện một số mặt chưa hiệu quả của nền kinh tế. Nếu Việt Nam tiếp tục phát triển không phụ thuộc quá mức vào tín dụng, nhất là thực hiện tái cấu trúc ngành tài chính và khối doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả, Việt Nam sẽ duy trì được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

Cần chủ động tạo giá trị

Bà Trinh Nguyễn dự báo Việt Nam sẽ gặp nhiều cạnh tranh hơn trong giao thương và đầu tư. Vì vậy, hơn bao giờ hết, Chính phủ cần chủ động cải thiện tính cạnh tranh bao gồm cơ sở hạ tầng, tính kết nối, quản lý tài nguyên con người và thiên nhiên. Các dòng vốn FDI đang bù đắp cho sức cầu nội địa yếu. Tuy nhiên, đây không phải là chiến lược lâu dài, vì tiền lương chắc chắn sẽ tăng và làm mất đi tính cạnh tranh. Việt Nam đã thể hiện rất tốt trong việc cải thiện thu nhập khi đưa người nông dân vào làm việc trong các nhà máy, tập hợp nguồn nhân lực trong các ngành hoạt động hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, các thử thách lớn vẫn còn đó, nhất là việc cải thiện tính cạnh tranh của các ngành. Do vậy, bên cạnh việc phân phối tín dụng một cách hiệu quả, tăng năng suất ngành nông nghiệp hoặc gia nhập chuỗi cung ứng thế giới về các mặt hàng điện tử..., Việt Nam cần phải chủ động trong việc tạo giá trị thay vì cạnh tranh đơn thuần về số lượng và giá nhân công.