Việt Nam cần khôi phục lại mức tăng trưởng 7%-8%

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Mặc dù Việt Nam có nhiều đầu tư FDI, nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp hơn so với trung bình của thế giới.

Việt Nam cần khôi phục lại mức tăng trưởng 7%-8%
khuyến khích Chính phủ đặt mục ADB khuyến khích Chính phủ đặt mục tăng trưởng 7-8% trong những năm tiếp theo. Nguồn: internet

Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm 2014

Phát biểu tại họp báo nhân chuyến thăm của Chủ tịch ADB chiều 19/9 tại Hà Nội, ông Takehiko Nakao khen ngợi những kết quả Việt Nam đạt được trong thời gian gần đây.

Chính phủ Việt Nam đã duy trì được  sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô. Công cuộc cải cách của Việt Nam hướng đến nền kinh tế thị trường đạt nhiều kết quả tích cực, hàng loạt luật mới như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… được ban hành.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ đưa ra nhiều phương án xử lý nợ xấu thông qua công ty quản lý tài sản (mua nợ xấu) hay thực hiện các quy định mới…

Việt Nam từng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới kể từ năm 1990 và đã vươn lên thành quốc gia có mức thu nhập trung bình vào năm 2010.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đã giảm sút, từ mức trung bình 7,3% trong giai đoạn 2000-2007 xuống còn 5,7% trong giai đoạn 2008-2013, do tốc độ cải cách cơ cấu diễn ra chậm chạp và bất ổn toàn cầu.

ADB dự báo, Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm 2014. Đồng thời, khuyến khích Chính phủ đặt mục tiêu trở lại mức tăng trưởng 7-8% trong những năm tiếp theo.

Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa

Ông Nakao đã đưa ra một nghị trình phát triển, tập trung và 8 khía cạnh quan trọng để kích thích và giữ vững tăng trưởng ở châu Á, trong đó có Việt Nam, bao gồm: ổn định an ninh và chính trị; ổn định kinh tế vĩ mô;  đầu tư kết cấu hạ tầng; đầu tư vào giáo dục và y tế để phát triển tiềm năng con người; mở cửa thương mại và đầu tư; quản trị tốt; cam kết tăng trưởng đồng đều; tổ chức và chia sẻ tốt chiến lược phát triển quốc gia.

Ông nhấn mạnh vào vấn đề cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam. Bởi, mặc dù Việt Nam có nhiều đầu tư FDI, nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp hơn so với trung bình của thế giới. Vì vậy, Việt Nam phải nỗ lực nhiều để môi trường kinh doanh lành mạnh hơn.

"Chính phủ cũng cần cải thiện các thủ tục quan liêu rườm rà cản trở hoạt động kinh doanh, tháo gỡ nút thắt ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng", ông Nakao thẳng thắn.

Để củng cố những thành tựu đã đạt được và khôi phục lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tăng trưởng đồng đều, thì những cải cách cơ cấu chủ yếu trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực ngân hàng và đầu tư công cần được tiếp tục đẩy mạnh. Việt Nam cũng cần quản lý nợ công thông qua mở rộng cơ sở thuế và hợp lý hóa chi tiêu công.

Ông cho rằng, Việt Nam đang xử lý vấn đề nợ xấu đang đi đúng hướng. Lạm phát Việt Nam đang ở mức 5%, nên GDP danh nghĩa luôn tăng trưởng, vì vậy hoàn toàn có khả năng kiểm soát nợ xấu ở mức độ nào đó. Chính phủ Việt Nam cũng cần đưa ra quy định chặt chẽ hơn như đủ vốn Basel II.

Năm nay, ADB có cung cấp ra 1 khoản vay chương trình hỗ trợ cải cách ngân hàng, hỗ trợ phát triển các Doanh nghiệp nhỏ và vừa… hỗ trợ trực tiếp vào ngân sách.

Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, cần tư nhân hay cổ phần hóa để hoạt động hiệu quả; tăng cường đổi mới quản lý vận hành của nhà nước. Cần có 1 khu vực Doanh nghiệp nhỏ và vừa mạnh hơn nữa. ADB đang hỗ trợ cho Việt Nam phát triển mạnh hơn khu vực này thông qua các khoản vay cho chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, ADB đã hỗ trợ Việt Nam soạn thảo quy định về TPP và trích ra một gói tài trợ trị giá 20 triệu USD cho các dự án TPP tốt nhất tại Việt Nam.