Việt Nam đi đúng hướng, tuân thủ đầy đủ Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại

PV.

Việt Nam đang đi đúng hướng để đạt được sự tuân thủ Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) đầy đủ. Đó là đánh giá của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Hội thảo Đánh giá tình hình thực thi TFA của Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Tổng cục Hải quan Việt Nam vừa phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo đánh giá tình hình thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Việt Nam.

Hội thảo nhằm đánh giá tình hình thực thi Hiệp định TFA trong khuôn khổ Dự án Tạo thuận lợi thương mại của USAID, Tổng cục Hải quan phối hợp với chuyên gia dự án đã thực hiện việc đánh giá mức độ thực thi các cam kết của Hiệp định TFA.

Tạo thuận lợi thương mại ngày càng có vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới các quốc gia về mọi phương diện, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) nói riêng.

Trước yêu cầu của thực tiễn thương mại thế giới, TFA ra đời với mục đích xóa bỏ các rào cản truyền thống, rào cản phi thuế quan đối với thương mại, giúp đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục liên quan đến thương mại mà quan trọng nhất là thủ tục XNK và quản lý biên giới được các nước thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) áp dụng và triển khai theo lộ trình.

Theo quy định tại Phần II của Hiệp định TFA, các biện pháp kỹ thuật (cam kết) cụ thể về nghĩa vụ của các nước thành viên được nêu tại Phần I của Hiệp định (từ Điều 1 đến Điều 12) trên cơ sở rà soát thực tiễn quản lý của nước thành viên được phân thành 3 nhóm cam kết:

- Cam kết Nhóm A – thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

- Cam kết Nhóm B – thực hiện sau một thời gian quá độ tính từ khi Hiệp định có hiệu lực.

- Cam kết Nhóm C – cần một thời gian quá độ tính từ khi Hiệp định có hiệu lực và và hỗ trợ xây dựng năng lực để thực hiện.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích báo cáo kết quả và tham vấn ý kiến của các bộ, ngành cơ quan có liên quan nhằm hoàn thiện bản đánh giá và xác định lộ trình thực hiện mới của Việt Nam. Kết quả đánh giá sẽ là căn cứ để Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi cam kết và thông báo cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) theo lộ trình thực thi cam kết của Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo về một số nội dung bao gồm: Tổng quan về Hiệp định TFA và cam kết của Việt Nam; Đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định của Việt Nam; Các nhận định, thách thức và cơ hội đối với việc thực thi Hiệp định trong bối cảnh Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan): Với tư cách là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao là đầu mối chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện Hiệp định TFA, đồng thời là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, thời gian qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực triển khai các điều khoản của Hiệp định TFA theo đúng lộ trình cam kết với WTO.