Việt Nam đủ năng lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19

Theo baochinhphu.vn

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Thường trực Chính phủ nhất trí với báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chúng ta đã chuẩn bị tốt các kịch bản cho nhiều tình huống nên không bị động trong kiểm soát tình hình.

Sau 22 ngày không phát hiện các ca nhiễm mới, đến nay đã ghi nhận 18 ca nhiễm mới, trong đó có 07 người Việt Nam, tất cả đều do nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan và đồng lòng của người dân trong triển khai các giải pháp phù hợp, đồng bộ, quyết liệt và kịp thời, nên vẫn kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Thủ tướng một lần nữa biểu dương sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội, các Bộ: Y tế, Công an, Ngoại giao, Quốc phòng và nhiều địa phương, cơ quan liên quan, của đội ngũ y bác sỹ, các lực lượng tham gia quản lý cách ly.

Quyết tâm chặn đứng dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch bệnh đã lan ra 115 quốc gia, vùng lãnh thổ và tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nước có giao thương rộng với Việt Nam, chúng ta nhận định trạng thái mới, giai đoạn mới của dịch COVID-19 ở nước ta phức tạp và khó khăn hơn, nên rất cần sự bình tĩnh, phản ứng kịp thời.

Chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt cho tình huống này và sẽ làm tốt hơn nữa các kịch bản trong thời gian tới; quyết tâm chặn đứng dịch bệnh.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng phải hiểu rõ, hiểu đúng để hành động đúng trước diễn biến mới của dịch bệnh, để xử lý bình tĩnh, không được lơ là, chủ quan nhưng tuyệt đối cũng không được hoang mang.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn nguy cơ, phát hiện sớm, phân loại, khoanh vùng nhanh nhất, cách ly kịp thời, dập dịch triệt để, không để dịch bệnh lây lan, chăm lo bảo vệ sức khỏe, điều kiện sinh hoạt và không thể lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang làm công tác phòng chống dịch, nhất là các khu cách ly tập trung.

Chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở y tế, đặc biệt là y tế tư nhân, tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của ngành y tế không để lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế, đồng thời tổ chức diễn tập phòng, chống dịch một cách phù hợp.

Ưu tiên mọi nguồn lực để ngăn chặn, hạn chế tác hại của dịch bệnh

Ưu tiên mọi nguồn lực để ngăn chặn, hạn chế tác hại của dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân, chấp nhận thiệt hại lợi ích kinh tế để bảo đảm an toàn cho người dân.

Hoạt động du lịch phải an toàn. Có phương án, kịch bản chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành (Ban Chỉ đạo Quốc gia) và các cấp chính quyền, không để bị động, bất ngờ trước diễn biến của dịch bệnh. Luôn nắm chắc tình hình, vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, có phương án cụ thể.

Các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, an ninh các cửa khẩu, sân bay phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh các cửa khẩu, sân bay, không để lọt những người nhiễm bệnh hay nguy cơ nhiễm bệnh vào nước ta. Cần phải xử lý nghiêm minh những trường hợp khai báo y tế không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật.

Thủ tướng khẳng định, cần phản ứng nhanh nhạy trong việc nhận diện, khoanh vùng, cách ly, chữa bệnh. Trước hết, phải truy tìm và cách ly tất cả khách du lịch trong chuyến bay VN0054 đủ 14 ngày.

Nâng cao ý thức bảo vệ chính bản thân, bảo vệ gia đình và cộng đồng

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương Công bố thông tin liên quan đến dịch COVID-19 phải bảo đảm kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, truy tìm nguồn lây một cách nhanh nhất, những người tiếp xúc phải cách ly đầy đủ.

Cùng với đó, bảo đảm cung ứng đầy đủ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc để đáp ứng nhu cầu của người dân. Phải làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin hàng hóa, thị trường, diễn biến dịch bệnh đến người dân, giữ ổn định xã hội, bình an cho nhân dân, tránh tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ như vừa qua.

Các ngành và các địa phương đều có phương án xử lý cung ứng đủ lương thực, thực phẩm khi có nhu cầu và có biện pháp xử lý nghiêm người cố tình đầu cơ, găm hàng, tăng giá.

Chuẩn bị mọi điều kiện kịp thời để chống dịch

Thủ tướng yêu cầu tăng cường năng lực y tế cả trung ương và địa phương. Phải chuẩn bị mọi điều kiện kịp thời, kể cả con người, phương tiện, cơ sở vật chất, ngân sách nhà nước để chống dịch, đặc biệt nâng cao năng lực xét nghiệm, sản xuất vắc xin, sớm đưa bộ KIT vào sử dụng.

Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi không khai báo hoặc khai báo không trung thực về tình trạng dịch bệnh.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ Y tế, Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương xem xét đề xuất xử lý những trường hợp cụ thể cố tình không khai báo hoặc khai báo không trung thực tình trạng bệnh, xử lý nghiêm theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ban Chỉ đạo thường xuyên báo cáo Thủ tướng những quyết định quan trọng, những vấn đề lớn để xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Lực lượng khoa học công nghệ, kể cả Bộ Khoa học và Công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, các giáo sư bác sĩ đầu ngành, các viện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phương thức phòng, chống và chữa bệnh, gồm cả chẩn đoán, xét nghiệm, phác đồ điều trị, vắc xin đối với dịch bệnh COVID-19. Bộ Tài chính xử lý ngân sách cho công tác này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tạm dừng việc miễn thị thực đơn phương với 8 nước

Thủ tướng đồng ý việc tạm dừng việc miễn thị thực đơn phương với 8 nước: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và tạm dừng hiệu lực giấy miễn thị thực đã cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư tại 08 nước nêu trên.

Thủ tướng cũng đồng ý thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện bảo đảm quản lý chặt chẽ và hiệu quả; đồng ý ban hành quyết định quy định cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.

Các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19, bảo đảm tháo gỡ hiệu quả khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thương mại biên giới, đường biển, bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn này.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế soạn thảo, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống COVID-19 trong tình hình mới.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch theo dõi sát tình hình, kịp thời giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ và đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời.