Giới phân tích: ECB có thể phải hành động để đối phó với dịch COVID-19
Giới phân tích cho rằng ECB sẽ thực hiện phiên bản có điều chỉnh của chương trình tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu, theo đó cấp các khoản vay cho các ngân hàng với các điều khoản ngày càng dễ hơn.
Các nhà kinh tế ngày càng hy vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có động thái can thiệp tại cuộc họp ngày 12/3 tới, nhằm ngăn chặn tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đến nền kinh tế vốn đã yếu của Khu vực sử dụng đồng euro.
Nhà kinh tế Carsten Brzeski của ngân hàng ING đặt câu hỏi liệu ECB dưới sự lãnh đạo của bà Christine Lagarde có tiếp tục chính sách "làm bất cứ thứ gì" của người tiền nhiệm Mario Draghi hay sẽ quay lại thời kỳ ưu tiên việc "chờ đợi và theo dõi," khi đang đối mặt với những rủi ro chưa có tiền lệ và khó lường.
Tuyên bố năm 2012 của Cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi nêu rõ, trong quyền hạn của mình, ECB sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để bảo vệ đồng euro được đánh giá cao, khi giúp ổn định khu vực đồng tiền chung vào thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ công.
Trước cuộc khủng hoảng COVID-19, các ngân hàng trung ương khác đã hành động. Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Ngân hàng trung ương Anh đã phát tín hiệu sẽ tăng cường các biện pháp kích thích và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã khiến các thị trường bất ngờ với quyết định hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào ngày 3/3.
Trong thông báo ngày 2/3, ECB cho biết, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này sẵn sàng thực hiện các biện pháp thích hợp và có mục tiêu.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Ken Wattret của IHS Markit cho rằng tuyên bố dè dặt này cho thấy sự miễn cưỡng trong việc triển khai mọi cộng cụ đối phó.
Theo chuyên gia này, một biện pháp đáng chú ý sẽ là hỗ trợ về thanh khoản, khi ECB xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp vấn đề về dòng tiền, do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh có thể khiến các hoạt động gặp khó khăn hơn. Những vấn đề về tiền mặt có thể gây ra làn sóng phá sản.
Giới phân tích cho rằng ECB sẽ thực hiện phiên bản có điều chỉnh của chương trình tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu (TLTRO), theo đó cấp các khoản vay cho các ngân hàng với các điều khoản ngày càng dễ dàng hơn để bơm tiền vào nền kinh tế.
Theo nhà chiến lược Frederik Ducrozet của Pictet Wealth Management, ECB có thể sử dụng một công cụ đặc biệt hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hiện nay với những điều khoản nới lỏng hơn.
Một nguồn tin thân cận cho biết, một chương trình TLTRO nhắm đến các SME có thể được tính đến.
Các công cụ chính của ECB là hạ lãi suất từ các mức thấp kỷ lục hay mở rộng chương trình nới lỏng định lượng (QE) mua lượng lớn trái phiếu mỗi tháng sẽ khó có thể được đẩy mạnh.
Các ngân hàng đang phải trả mức lãi suất -0,5% cho các khoản tiền gửi tại ECB và điều này đang có những tác động đến lợi nhuận. Một số nhà kinh tế nhận định mức lãi suất này có thể được hạ 0,1 điểm phần trăm, xuống -0,6%.
Trong khi đó, quy mô của chương trình QE có thể được mở rộng từ mức 20 tỷ euro (22,6 tỷ USD)/tháng hiện nay. Tuy nhiên, tổng lượng mua trái phiếu trên 2.600 tỷ euro cho đến nay đã khiến ECB hứng chịu sự chỉ trích về chính trị và pháp lý, đồng thời cũng gây chia rẽ trong nội bộ.