Việt Nam được xem là động lực kinh tế của ASEAN
Triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam được đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng của khu vực ASEAN.
Các nền kinh tế trên toàn cầu tiếp tục hành trình chậm chạp trở lại mức trước đại dịch, triển vọng tăng trưởng kinh tế trung hạn yếu ớt. Tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến sẽ đạt 3% vào năm 2024 và 3,1% vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,7% của giai đoạn 2010-2019.
Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu uy tín, triển vọng của ASEAN tươi sáng hơn nhiều, với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 4,5% vào năm 2024 và 4,7% vào năm 2025.
Một số nền kinh tế trong khu vực được xem là “mũi nhọn” tăng trưởng, như Indonesia ở mức 5%, Việt Nam ở mức 6,2% và Philippines ở mức 6%. Ngay cả Thái Lan, với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 2,7% và Malaysia ở mức 4,6%, cũng sẽ gần bằng hoặc vượt mức trung bình toàn cầu.
ASEAN được dự báo trở thành trung tâm cho thương mại toàn cầu, hội nhập khu vực và đổi mới công nghệ. Đến năm 2030, nền kinh tế ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng lên 4,5 nghìn tỷ đô la Mỹ, trở thành khu vực kinh tế lớn thứ tư trên thế giới. Sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi một số yếu tố.
Thái Lan đang sẵn sàng dẫn đầu quá trình chuyển đổi xanh của khu vực; Malaysia và Singapore đã thu hút được lượng FDI đáng kể vào các ngành công nghiệp có giá trị cao, nhờ vào cơ sở hạ tầng phát triển và các chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Các quốc gia thành viên ngày càng liên kết với nhau thông qua các cải thiện về cơ sở hạ tầng và hành lang kinh tế, chẳng hạn như Khu kinh tế đặc biệt Johor-Singapore (SEZ) của Malaysia và Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan.
Sự tham gia của ASEAN vào các hiệp định thương mại như Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) củng cố vị thế của khu vực như một trung tâm quan trọng cho thương mại xuyên biên giới, với quyền tiếp cận miễn thuế cho 2,2 tỷ người tiêu dùng trên toàn cầu.
Động lực tăng trưởng của ASEAN bắt nguồn từ nền tảng vững chắc, dân số trẻ và số hóa ngày càng tăng. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, các khoản đầu tư chiến lược vào giáo dục, công nghệ và tính bền vững sẽ quyết định thành công trong tương lai của khu vực.
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho nhu cầu “Trung Quốc + 1” với rất nhiều lợi thế vĩ mô vẫn còn nguyên vẹn: vị trí địa lý thuận lợi, chính sách ngày càng được cải thiện, quan hệ ngoại giao rộng rãi; nguồn lao động dồi dào,…
Dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ thu hút được 40 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Điều đáng chú ý là hàm lượng vốn giàu công nghệ ngày càng cao. Nghệ An sắp cán mốc 5 tỷ đô la Mỹ vốn FDI với 147 dự án; Hải Phòng là điểm đến của 4 tỷ đô la Mỹ.
Các “ông lớn” công nghệ, như Mitsubishi Estate, LG Display, Goertek, Runergy, Foxconn, Luxshare, Amkor, Hana, Apple,… đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất giúp Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng công nghệ bán dẫn của khu vực.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của giới nghiên cứu chiến lược kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang xuất hiện nhiều động lực tăng trưởng mới, đó là đầu tư công, đầu tư tư nhân - với những dự án tầm thế kỷ, và xuất nhập khẩu đang rất mạnh.
Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%.