Viet Nam Expo 2014 còn giúp gì được doanh nghiệp?
(Tài chính) Doanh nghiệp Việt Nam cần cú hích lớn nếu muốn nắm bắt các cơ hội giao thương đang mở ra, trong đó có Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam 2014 (Vietnam Expo 2014).
Theo thống kê từ Bộ Công thương, năm 2013, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 132 tỷ USD (tăng 15% so với năm 2012). Đây được cho là những tín hiệu tốt để doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đà tăng trưởng. Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có sức hút về thu hút đầu tư và nổi lên là một thị trường bán lẻ đầy năng động.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, 2 năm tới, Việt Nam sẽ đón những cú hích lớn. Đầu tiên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể ký vào cuối năm nay, hoặc năm sau. Tiếp đến là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định như, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Trong dòng chảy đó, nhiều doanh nghiệp đang lặn lội tìm cách sinh lời, để giữ vững vị thế trên thương trường. Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa là một minh chứng. Với thị phần khai thác yến sào từ các đảo yến thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, chiếm trên 60% tổng sản lượng tổ yến thu được từ các hang động tự nhiên, Công ty đã sản xuất hơn 40 dòng sản phẩm có giá trị bổ dưỡng cao cấp với hệ thống hơn 60 cửa hàng và trên 900 nhà phân phối, đại lý trong nước và 30 nhà phân phối ở nước ngoài. Công ty đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại 42 quốc gia trên thế giới.
Tuy sở hữu nhiều thế mạnh, nhưng Công ty có nguy cơ đánh mất thị phần vào tay đối thủ nếu không lên kế hoạch chinh phục thị trường toàn cầu.
Ông Lê Hữu Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho hay, là thực phẩm dinh dưỡng cao cấp đặc thù, Công ty sẽ tiếp tục khai thác, mở rộng thị trường cả trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước EU, Công ty đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại các nước trong khu vực ASEAN.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse cũng giải quyết bài toán tăng trưởng thị trường xuất khẩu bằng nhiều cách khác nhau. Cụ thể, Sunhouse phân nhóm dựa trên mức thu nhập của từng thị trường, tập trung vào các thị trường chính ASEAN, chủ yếu Malaysia, Lào, Campuchia. Đối với thị trường này, Sunhouse sẽ tập trung vào các dòng sản phẩm có giá cạnh tranh, chất lượng tốt có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn đến từ Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse, ngoài việc tập trung vào thị trường ASEAN, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị tư thế để cạnh tranh khi Việt Nam chính thức ký hiệp định TPP. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp trong khối ASEAN và TPP liên tục đến Việt Nam để săn cơ hội giao thương, đầu tư vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng… thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có cơ hội tham gia Vietnam Expo 2014.
Chẳng hạn, Malaysia là một trong những nước đóng vai trò quan trọng trong AEC. Hơn 20 doanh nghiệp Malaysia đã quyết định tham gia Vietnam Expo 2014 để chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại, thực phẩm đồ uống, công nghệ phần mềm, giáo dục, tư vấn tài chính, làm đẹp…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Luận, Tổng giám đốc Vinexad kỳ vọng, VietnamExpo 2014 sẽ giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước thiết lập một mạng lưới giao thương hiệu quả với các đối tác đến từ AEC và TPP.