Việt Nam làm gì để thoát “bẫy giá trị gia tăng thấp”

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Trong khi kinh tế thế giới và khu vực đã bước vào quỹ đạo phục hồi kể từ nửa cuối năm 2013 với tốc độ tăng trưởng cả năm 2013 ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 6,1%, trong đó, các nền kinh tế mới nổi (trừ Trung Quốc) đạt tốc độ tăng trưởng 7,2% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn nằm trong “vùng tăng trưởng thấp”.

Việt Nam làm gì để thoát “bẫy giá trị gia tăng thấp”
Trong khi kinh tế thế giới và khu vực đã bước vào quỹ đạo phục hồi thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn trong vùng thấp. Nguồn: internet

Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nguy cơ tụt hậu về kinh tế của nước ta so với khu vực ngày một doãng rộng.

Khả năng bứt phá của kinh tế Việt Nam, theo ông Hùng sẽ còn khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nói riêng đã chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng mới. Và nếu không có sự đột phá về chính sách thì Việt Nam khó có thể tái lập lại sự tăng trưởng thần kỳ mà một số nước đã làm được trong những thập niên trước để không đi vào vết xe đổ “bẫy thu nhập trung bình” mà nhiều nước đang rơi vào.

Phân tích nguyên nhân “hụt hơi” của nền kinh tế Việt Nam, tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014 với chủ đề “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế” đang được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh, ông Hùng cho rằng, nguyên nhân cơ bản là Việt Nam rơi vào “bẫy giá trị gia tăng thấp”, bởi trong một thời gian rất dài tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn vốn, lao động kỹ năng thấp, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên, hàng hoá có giá trị gia tăng thấp, ngay cả khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động sản xuất cũng chủ yếu là gia công, lắp ráp linh kiện nhập khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế tham dự Diễn Đàn Kinh tế mùa Xuân 2014, làm gì để vượt qua được “bẫy giá trị gia tăng thấp” cũng là một trong những mục tiêu đặt ra cho nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.

TS. Nguyễn Sỹ Cương (Học viện Tài chính) cho rằng, từ nửa cuối năm 2013 trở lại đây, kinh tế nước ta mới dường như qua khỏi giai đoạn khó khăn nhất.

Dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới được công bố vào đầu tháng 4/2014, khi cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay là 5,6% và 5,5%, ông Cương nhận định, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô có cải thiện hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP vẫn dưới tiềm năng do phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, giảm thu ngân sách và khó khăn trong đầu tư tư nhân…

Những vấn đề này không sớm được giải quyết, theo ông Cương, việc ra khỏi “bẫy giá trị gia tăng thấp” là bài toán vô cùng nan giải.

Mổ xẻ, phân tích những yếu kém nội tại của nền kinh tế và đặt Việt Nam là một khâu, một mắt xích của nền kinh tế toàn cầu, nhiều chuyên gia tham dự Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014 nhận định, môi trường bên ngoài đang tạo ra những thách thức lớn song Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội sớm thoát ra khỏi “bẫy giá trị gia tăng thấp” và trong tương lai có thể không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” như đã từng được nhiều chuyên gia cảnh báo trong mấy năm gần đây.

Cụ thể, tại Trung Quốc, do giá nhân công tăng cao và căng thẳng chính trị với những nước xung quanh leo thang (vấn đề biển Đông) nên luồng vốn nước ngoài đổ vào quốc gia chiếm 1,4 tỷ dân số thế giới có xu hướng chững lại, thậm chí nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch nguồn vốn đã đầu tư tại Trung Quốc sang các nước trong khu vực. Thái Lan - một trong những quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài - cũng đang gặp phải bất ổn về chính trị khiến nhà đầu tư nước ngoài không yên tâm khi tiếp tục đầu tư vào đây.

Trong khi đó, Việt Nam đã và đang nổi lên như là một điểm sáng đầu tư trong khu vực với việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chung từ 25% xuống 22% và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 20% vào năm 2016, giá trị nhân công vẫn thuộc hàng thấp nhất thế giới, thị trường nội địa với 90 triệu dân, nền tảng chính trị - xã hội ổn định…

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng với lợi thế mình, Việt Nam đang tận dụng để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn xuyên quốc gia. Tính đến thời điểm này, đã có 415 tập đoàn xuyên quốc gia đăng ký đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 106 tập đoàn xuyên quốc gia thuộc của top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới thế giới như Samsung, Intel, Nokia, Nike, Canon… đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Điều quan trọng là so với trước đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay, đặc biệt của tập đoàn xuyên quốc gia tập trung vào những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn như điện tử, chế tạo… và vào những dự án quy mô lớn, không chỉ góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao kỹ năng lực lượng lao động… mà đây là cơ hội tốt để nước ta xây dựng các cụm liên kết ngành và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, mở rộng ơ hội kết nối vào mạng sản xuất toàn cấu của các tập đoàn xuyên quốc gia, giúp Việt Nam thoát ra khỏi “bẫy giá trị gia tăng thấp” trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, những bất ổn của các nước trong khu vực chỉ mang tính thời điểm, nếu Việt Nam không có các cơ chế, chính sách đột phá về thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế thì cơ hội mời gọi các tập đoàn xuyên quốc gia cũng sẽ sớm trôi qua.

“Hiện nay chúng ta thiếu hẳn những cải cách thể chế mang tính đột phá, còn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung vẫn diễn ra chậm chạp, khiến cho cơ cấu nền kinh tế sau gần 3 năm “quyết liệt hô hào” hầu như vẫn không nhúc nhích theo đúng lộ trình”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam bình luận và mong muốn các thành viên của Uỷ ban Kinh tế phải có tiếng nói quyết liệt hơn nữa trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới đây về vấn đề này để Việt Nam sớm thoát ra khỏi “bẫy giá trị gia tăng thấp”.