Việt Nam lọt top 10 các quốc gia Châu Á an toàn nhất trong đại dịch COVID-19

Theo Bảo Linh/nhadautu.vn/Nikkei

Quỹ đầu tư mạo hiểm Deep Knowledge Ventures vừa công bố kết quả điều tra và đánh giá khả năng xử lý khủng hoảng của 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 Cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tặng hoa chúc mừng 30 người trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) hoàn thành thời gian cách ly, ngày 2/3/2020. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tặng hoa chúc mừng 30 người trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) hoàn thành thời gian cách ly, ngày 2/3/2020. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo đánh giá, 8 trong số 10 nơi an toàn nhất trong đại dịch virus Corona nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc.

Deep Knowledge Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm đánh giá, phản ứng của các nước trong đại dịch sẽ xác định mức độ hấp dẫn đầu tư và kinh doanh tại chính những quốc gia này.

"Các quốc gia sẽ có thể cung cấp biện pháp bảo vệ lâu dài và ổn định cho công dân của họ, ở một mức độ nào đó, sẽ tự động thu hút hoạt động tài chính", Dmitry Kaminskiy, người sáng lập và đối tác quản lý của DKV, nói với Nikkei Asian Review.

Trên bảng xếp hạng mới nhất theoDKV, Israel đứng ở vị trí đầu tiên, không thay đổi so với xếp hạng an toàn trước đó. Nước này đạt được 632,32 điểm trong số 700 có thể nhờ vào lãnh thổ nhỏ bé, hệ thống chăm sóc sức khỏe công phu, yếu tố công nghệ và lực lượng quân đội mạnh.

Top 10 quốc gia an toàn nhất giữa đại dịch COVID-19 (ẢNH: Nikkei)
Top 10 quốc gia an toàn nhất giữa đại dịch COVID-19 (ẢNH: Nikkei)

 

Lần cập nhật mới nhất, Đức đạt vị trí thứ hai, tăng từ thứ chín, trong khi Hàn Quốc đứng thứ 3, tăng từ vị trí thứ 10.

Sau đó là danh sách các nước láng giềng châu Á - Thái Bình Dương: Úc, Trung Quốc, New Zealand, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông.

DKV được biết đến với việc áp dụng thuật toán AI để chấm điểm các quốc gia dựa trên hơn 70 tiêu chí và dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới.

Xếp hạng an toàn được chia thành các loại như "hiệu quả kiểm dịch", bao gồm các hạn chế đi lại; "Hiệu quả quản lý của chính phủ", bao gồm các khả năng quốc phòng; "Giám sát và phát hiện", chẳng hạn như phạm vi thử nghiệm; và "sẵn sàng điều trị khẩn cấp", bao gồm các yếu tố như số lượng giường bệnh.

Israel, Đức và Hàn Quốc đều phải rất vật lộn với các vụ dịch COVID-19 đáng kể. Nhưng Kaminskiy nói, "Chúng tôi xem xét không chỉ khi các quốc gia thành công (trong việc giảm thiểu các trường hợp nhiễm COVID-19), mà còn nhìn nhận khi một quốc gia bị ảnh hưởng khá đáng kể, nhưng đã tìm cách ngăn chặn dịch bệnh”.

Ba quốc gia này đã ghi nhận hàng ngàn trường hợp nhiễm bệnh, nhiều hơn so với New Zealand, nơi chỉ có 1.300 ca nhiễm và 5 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, các nước đã nỗ lực ngăn chặn số người chết. Cụ thể, có khoảng 100 ca tử vong ở Israel, 3.000 ở Đức và 2.000 ở Hàn Quốc, so với con số khoảng 20.000 ở Ý và 10.000 ở riêng bang New York của Hoa Kỳ

Với Nhật Bản (xếp thứ 9), quốc gia này bị đánh giá là “chính phủ kém hiệu quả hơn” so với Israel.

Trong một bảng xếp hạng dành riêng cho châu Á mà DKV đưa ra cùng ngày, có thể thấy  một số quốc gia Nam Á và Đông Nam Á có độ an toàn thấp.

Việt Nam đứng thứ 9 trong danh sách các quốc gia Châu Á (Ảnh: Nikkei)
Việt Nam đứng thứ 9 trong danh sách các quốc gia Châu Á (Ảnh: Nikkei)

 

Bangladesh, Indonesia và Philippines trong các báo cáo gần đây đã nhấn mạnh về các hệ thống y tế đang ở mức căng thẳng nghiêm trọng. Kaminskiy cho biết 3 quốc gia này có thể sẽ phải đối mặt với "sự tiêu cực" trong những tuần tới.

Nằm trong top giữa là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ (ít nhất là thời điểm hiện tại).

Kaminskiy cho biết Ấn Độ có khoảng10.000 ca nhiễm và 300 trường hợp tử vong. Đây là những con số "khá tốt". Điều đó cho thấy khả năng kiểm soát đầy nỗ lực của quốc gia này.