Việt Nam tăng trưởng ngay cả khi thế giới khủng hoảng

Theo Stox, Lao động

Chỉ 5 năm qua, Việt Nam (VN) từ một nước có thu nhập thấp đã bước sang nhóm nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 1.160 USD. Kinh tế VN đã tăng trưởng liên tục, ngay cả khi kinh tế toàn cầu khủng hoảng. Ông Taketoshi Kobayashi – chuyên gia kinh tế, Chủ tịch HĐQT tập đoàn London Diamond Gallery (Nhật Bản) đã phát biểu đánh giá mới đây.

 Đây là đánh giá của ông Taketoshi Kobayashi – chuyên gia kinh tế, Chủ tịch HĐQT tập đoàn London Diamond Gallery (Nhật Bản), người có nhiều nghiên cứu về VN và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại VN. Ông đánh giá tiếp:

Mức tăng trưởng GDP hàng năm của VN đạt tới 8,5% trong năm 2007 trước khi giảm xuống mức 6,5% trong năm 2008 do lạm phát cao và sau đó là sự tụt giảm nhu cầu của quốc tế. Tính chung giai đoạn 2000-2008 mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,5% - mức tăng trưởng cao xét theo cả tiêu chuẩn toàn cầu và tiêu chuẩn khu vực.

Năm 2009, VN đã thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra là ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối tài chính - tiền tệ cơ bản được bảo đảm, vốn đầu tư toàn xã hội đạt cao, tới 42,6% GDP. VN đã vượt qua thời kỳ lạm phát cao khá tốt, với mức lạm phát cả năm được kiềm chế dưới 7%. VN là nước đứng đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng.

Năm 2010 kinh tế VN tiếp tục tăng trưởng 6,7%, cao hơn 2 năm trước, vượt mục tiêu đề ra và đang tiến tới phục hồi. VN đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình vào năm 2010 và phấn đấu để thực hiện mục tiêu cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào cuối thập kỷ tới; đã cơ bản thực hiện được mục tiêu thiên niên kỷ.

Đồng thời với việc tập trung vào tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ đã quan tâm đến cân đối phát triển với hội nhập xã hội và cải thiện các điều kiện làm việc cùng chất lượng cuộc sống của người dân.

Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển nông nghiệp và nông thôn, an ninh lương thực, tăng thu nhập nông thôn, các vùng chậm phát triển, chênh lệch phát triển giữa các vùng miền, chênh lệch thu nhập và hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nổi bật là sự giảm bớt nhanh chóng số các hộ gia đình nghèo. VN là một trong những nước có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất tại khu vực Châu Á.

Sự đồng thuận trong điều hành nền kinh tế vĩ mô cũng như sự ổn định về thể chế chính trị là ưu điểm mạnh mẽ của VN trong thập niên vừa qua. Chính phủ thể hiện rất rõ nét vai trò của mình trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao và đa dạng của doanh nghiệp (DN) và xã hội trước bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt; lại vừa  phải  tuân thủ những mục tiêu và cơ chế vận hành chung, vĩ mô của cả nước trong khuôn khổ các cam kết hội nhập… Đảng và Nhà nước VN thể hiện rõ nét vai trò lãnh đạo và Quốc hội thực hiện cơ chế giám sát ngày một hiệu quả, khách quan và minh bạch hơn.

Việc VN “giải cứu” Vinashin là một ví dụ điển hình cho sự đồng thuận nói trên. Cách thức giải quyết ôn hòa và quyết liệt của hệ thống chính trị VN trước các vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế chuyển đổi thể hiện rõ nét điều này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nhận những khuyết điểm với tư cách người đứng đầu Chính phủ trong việc để xảy ra những sai phạm tại Vinashin. Phó Thủ Tướng, các bộ trưởng liên quan cùng kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm. Thủ tướng đã rất quyết liệt trong vấn đề tái cơ cấu Vinashin bằng chính nội lực thay vì cho phép các nhà đầu tư nước ngoài vào “giải cứu”.

Những ngày đầu tháng 12 vừa qua, cộng đồng quốc tế thêm niềm tin khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho công bố Năng lực cạnh tranh VN năm 2010. Bản báo cáo này do đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt hàng giáo sư Michael Porter hai năm trước. Chính phủ  VN đã cam kết sẽ làm nhiều hơn là chỉ nghe báo cáo. Điều đó được hiểu rằng trong Chiến lược kinh tế xã hội mà VN đang lấy ý kiến toàn dân trước Đại hội Đảng, Chính phủ sẽ có những giải pháp mới để đất nước phát triển bền vững hơn, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Chính phủ sẽ làm “tròn vai” của mình, phù hợp với một nền kinh tế thị trường đang hội nhập để nó vận hành theo nguyên tắc của nó. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng như DN trong nước có thể kỳ vọng một môi trường thể chế minh bạch và hiệu quả để DN cạnh tranh một cách bình đẳng, cũng như các dịch vụ công được cải thiện như cơ sở hạ tầng, giáo dục.... Đây là tiền đề quan trọng để các nhà tài trợ tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế và vốn ODA cung cấp cho VN cùng với dòng kiều hối và FDI đang sung sức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem là Thủ tướng trẻ nhất VN khi nhậm chức và cũng là người để lại những dấu ấn mạnh mẽ trên trường quốc tế. Tháng 5.2007, tạp chí World Business đã bình chọn ông là một trong 20 nhân vật cải cách của châu Á. Trong cuộc khủng hoàng kinh tế toàn cầu, ông đã thông qua gói kích cầu trị giá 8 tỷ USD, được Ngân hàng phát triển châu Á nhận định có tác dụng tốt, hồi phục và tăng tốc cho nền kinh tế VN. Đặc biệt, với cương vị chủ tịch ASEAN, ông đã để lại những ấn tượng sâu đậm, nâng tầm ASEAN trên trường quốc tế.