Việt Nam tiếp tục nằm trong top quốc gia sẽ đón kiều hối cao nhất toàn cầu


Dù dịch bệnh phức tạp nhưng kiều hối năm 2021 gửi về TP. Hồ Chí Minh dự kiến vẫn tiếp tục cao kỷ lục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh, năm nay TP. Hồ Chí Minh dự kiến đón lượng kiều hối cao kỷ lục, đạt 6,5 tỷ USD. Với mức này, lượng kiều hối của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 7% so với cuối năm ngoái.

Năm 2020, dù tổng lượng kiều hối của cả nước có sự sụt giảm nhẹ so với 2019, song lượng kiều hối đổ về TP. Hồ Chí Minh vẫn ổn định, ước đạt khoảng 6,1 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.

Ông Minh cho biết kiều hối vẫn tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch, phần nào giúp giữ tiền đồng ổn định. Ngoài kiều hối tăng, đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu tăng trong năm nay cũng sẽ giúp đảm bảo nguồn cung ngoại tệ.

Quý I/2021, kiều hối về TP. Hồ Chí Minh đạt 1,45 tỷ USD và tính cả tháng 4/2021, đạt 2 tỷ USD. Lượng kiều hối theo ghi nhận khi về Việt Nam, phần lớn được đưa vào hoạt động góp phần sản xuất kinh doanh và góp phần đảm bảo tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Kiều hối về TP. Hồ Chí Minh, theo tính toán thường đóng góp tới khoảng hơn 1/3 tổng lượng kiều hối cả nước trong năm, do đó sự ổn định và tiếp tục tăng trưởng dòng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh trong cả năm 2021, đặt kỳ vọng lượng kiều hối năm nay của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao bất chấp dịch bệnh vẫn đang diễn ra trên toàn cầu.

Trong 5 năm qua, theo tính toán của World Bank, Việt Nam luôn nằm trong top 10 quốc gia nhận lượng kiều hối gửi về lớn. Tổng lượng kiều hối Việt Nam nhận được trong 5 năm tính tới 2019 đạt khoảng 71 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 6% mỗi năm.

Việt Nam tiếp tục nằm trong top quốc gia sẽ đón kiều hối cao nhất toàn cầu - Ảnh 1

Kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng để NHNN có điều kiện hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách tiền tệ, nhằm vượt Covid-19. Đáng chú ý, trong bối cảnh mà lạm phát tại Mỹ được dự báo có thể tăng lên đột biến sau các gọi kích thích kinh tế khổng lồ của chính quyền Joe Biden, tác động lên đồng USD và từ đó dắt dây đến chính sách ngoại hối của những quốc gia có đồng tiền neo vào đồng tiền chuyển đổi chính là USD, thì dự báo kiều hối tiếp tục tăng cao sẽ là thông tin rất tích cực.

Năm ngoái, World Bank dự kiến dòng kiều hối đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình giảm 7%, xuống còn 508 tỷ USD. Đà giảm này sẽ thêm 7,5% vào năm 2021, xuống còn 470 tỷ USD.

Các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự sụt giảm lượng kiều hối bao gồm tăng trưởng kinh tế yếu và mức độ việc làm thấp ở các nước nhập cư, giá dầu thấp; và sự mất giá của đồng tiền của các nước có nguồn chuyển tiền so với đô la Mỹ.