Việt Nam trước khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu

TS. Nguyễn Văn Tạo

TCTC - Trước bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp tục trầm trọng, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu suy giảm, Chính phủ đã có Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế...

Những tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

Cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài đã phá vỡ các hoạt động kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới cuối năm 2008 và đầu năm 2009 tiếp tục suy giảm mạnh, các nước công nghiệp phát triển đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất trong gần 70 năm qua. Đối với Việt Nam, mặc dù hệ thống tài chính vẫn chưa bị ảnh hưởng nhưng sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư, kiều hồi… đã bị tác động tương đối rõ. Kinh tế Việt Nam hiện nay chịu tác động chủ yếu thông qua 02 kênh: Xuất khẩu giảm cả về lượng lẫn giá do kinh tế thế giới suy thoái; nhu cầu giảm sút và đầu tư nước ngoài sụt giảm. GDP quý I/2009 chỉ tăng 3,1% mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2000 đến nay. Dự báo đến 2009 tăng trưởng GDP chỉ ở khoảng 4,8% đến 5,6%. “Cơn địa chấn” khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động đến kinh tế Việt Nam qua một số mặt sau đây:

Đối với hệ thống tài chính – ngân hàng.

Mặc dù chưa chịu tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ vì hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của hội nhập; nhưng trong ngắn hạn, do tác động trực tiếp của khủng hoảng tài chính, lợi nhuận của nhiều ngân hàng có thể giảm, thậm chí một số ngân hàng nhỏ có thể thua lỗ; nợ xấu tăng lên; nên hệ thống ngân hàng tài chính Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng trong một vài năm.

Đối với hoạt động xuất khẩu.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm do cầu tiêu dùng tại thị trường Mỹ đang trên đà “trượt dốc”, mặt khác cạnh tranh trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ khốc liệt hơn do một số nhà xuất khẩu giảm giá hàng xuất khẩu để tiêu thụ lượng hàng hoá xuất khẩu bị tồn đọng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam hiện nay, chiếm khoảng 20-21% kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ suy giảm sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2008, năm 2009 và cả năm 2010 (nếu nền kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu phục hồi).

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng còn tuỳ thuộc vào tính chất của từng mặt hàng. Bên cạnh đó khủng hoảng tài chính Mỹ cũng  tác động tiêu cực tới nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, đặc biệt là EU và Nhật Bản –hai thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Do tác động của khủng hoảng, người dân tại các thị trường này cũng phải cắt giảm chi tiêu, theo đó nhu cầu nhập khẩu đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ có xu hướng giảm. Quý IV/2008, kim ngạch xuất nhập khẩu vào 2 thị truờng này tháng sau đều giảm so với tháng trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2009 có xu hướng tăng nhẹ. Dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2009 chỉ tăng 3-5%.

Đối với vốn đầu tư của nước ngoài (kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp).

Với tình hình khủng hoảng như hiện nay chi phí vốn trở nên đắt đỏ hơn và thị trường xuất khẩu có khả năng bị thu hẹp nên dòng vốn chảy vào Việt Nam bị giảm sút là khôgn tránh khỏi. Thêm vào đó, với hầu hết các dự án đầu tư nói chung và FDI nói riêng, phần vốn vay thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số vốn đầu tư, nên khi các tổ chức tài chính, các ngân hàng gặp khó khăn, nhiều hợp đồng vay vốn sẽ không được ký kết hoặc không thể giải ngân được. Với các dự án FDI đang triển khai có thể bị chững lại do các nhà đầu tư phải cân đối lại khả năng nguồn vốn, đảm bảo tài chính an toàn trong cuộc khủng hoảng này. Các dự án FDI mới được cấp phép sẽ gặp khó khăn nếu nhà đầu tư bị tổn thương lớn từ khủng hoảng. Nếu như năm 2008 Việt Nam đã thu hút gần 63 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn đăng ký), giải ngân 12 tỷ USD, thì năm 2009 tình hình thu hút FDI đã trở nên khó khăn hơn, nhiều dự án đăng ký vốn hàng chục tỷ USD nhà đầu tư nước ngoài đã xin rút lui… Trong 5 tháng đầu năm 2009, vốn FDI chỉ đạt 6,3 tỷ USD.

Đối với lượng kiều hối vào Việt nam, mặcdù năm 2008 lượng kiều hối đạt 8 tỷ USD tăng 60% so với năm 2007, nhưng với đà suy thoái kinh tế thế giới như hiện nay, lượng kiều hối năm 2009 giảm sút sẽ là điều chắc chắn.

Đối với hoạt động của TTCK

Khủng hoảng tài chính ngày càng ảnh hưởng rộng trên thị trường tài chính thế giới, theo đó các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn, hoặc có xu hướng thận trọng hơn trong quyết định đầu tư khi các thị trường lớn của họ đang gặp khó khăn. Việc họ cơ cấu lại danh mục đầu tư ở Việt Nam là điều có thể thấy trước.

Có thể các nhà đầu tư ngoại sẽ rút vốn khỏi thị trường Việt Nam để ứng cứu cho công ty mẹ tại các thị trường lớn, nhưng khả năng này là rất ít, một mặt vì lượng vốn đầu tư của mỗi nhà đầu tư ở thị trường Việt Nam là không nhiều và hiện Việt Nam vẫn được coi là địa điểm đầu tư an toàn có độ tin cậy cao. TTCK Việt Nam là một nơi có ưu thế đầu tư khi tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam đang có chiều hướng tốt dần.

Trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài bán hết chứng khoán, rút hết vốn đầu tư ra khỏi TTCK Việt Nam thì Việt Nam vẫn đủ dự trữ ngoại tệ để “bơm ra” ổn định thị trường. Cán cân thương mại Việt Nam năm 2008 dự báo thâm hụt 18 tỷ USD (khoảng 30%GDP) năm 2009 dự báo thâm hụt thương mại sẽ dao động trong khoảng 12 tỷ -15 tỷ USD hay 12-15% GDP, giảm 20% so với năm 2008.

Mặt khác cũng cần thấy rằng khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến một số lĩnh vực của Việt Nam như: xuất khẩu, nợ vay ngắn hạn của các ngân hàng, hoạt động của các tổ chức tài chính, tín dụng… Do đó các doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK sẽ không tránh khỏi tác động xấu, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, theo đó giá cổ phiếu có thể sụt giảm.

Một số vấn đề khác cần quan tâm là khủng hoảng tài chính tác động mạnh mẽ đến tâm lý của các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam, TTCK lập tức bị tác động xấu vì những lo ngại của các nhà đầu tư trong nước. Yếu tố tâm lý là khá quan trọng, vì vậy Việt Nam cần có những giải pháp, đặc biệt là thông tin, tuyên truyền đầy đủ để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư; hạn chế những lo ngại thái quá làm ảnh hưởng xấu đến TTCK. Gần đây TTCK đã có những dấu hiệu khả quan hơn nhưng với diễn biến khó lường của suy thoái kinh tế thế giới, tính ổn định của TTCK sẽ khó tránh khỏi gặp khó khăn.

Đối với thị trường BĐS

Thị trường BĐS có mối liên hệ mật thiết với thị trường vốn và tài chính. Hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS đòi hỏi một lượng vốn rất lớn. Hiện nay tiềm lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh BĐS của Việt Nam khá hạn hẹp, phần lớn phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài mà chủ yếu là vốn vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Đây là một khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong điều kiện khủng hoảng tài chính hiện nay.

Cuối năm 2007 tình trạng đầu cơ BĐS đã đẩy giá BĐS ở Việt Nam lên quá cao so với giá trị thực. Thị trường đã lên cơn sốt ảo, cầu ảo tăng cao. Bước sang năm 2008 và năm 2009 nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, buộc người dân phải giảm chi tiêu, thị trường BĐS đóng băng, giá BĐS đã giảm đến 40%, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS rơi vào khó khăn, không bán được sản phẩm lại phải chịu lãi suất cao do chính sách thắt chặt tiền tệ làm lãi suất ngân hàng tăng cao,  nhất là vào cuối năm 2008.

Giá BĐS giảm sẽ kéo theo tài sản ngân hàng cũng giảm theo, nợ xấu tăng lên làm cho cơ cấu vốn của ngân hàng đầu tư thương mại rơi vào tình thế bất lợi. Gần đây, FDI đổ vào Việt Nam tăng nhanh trong đó gần 50% đầu tư vào BĐS. Ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính sẽ là bất lợi cho việc giải ngân vốn FDI ở Việt Nam đặc biệt là FDI trong lĩnh vực BĐS.

Khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ mà gốc rễ là từ khủng hoảng địa ốc hiện nay tuy không làm ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường BĐS ở Việt Nam nhưng nó sẽ ảnh hưởng gián tiếp qua các tác động đến thị trường tài chính tiền tệ, TTCK và các yếu tố tâm lý của người dân. Tuy nhiên, việc cho vay BĐS của các ngân hàng ở Việt Nam là khác xa so với ở Mỹ vì vậy khó xảy ra một cuộc khủng hoảng trên thị trường BĐS Việt Nam. Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam thì cho vay BĐS chiếm khoảng 9,5% tổng số dư nợ của các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Mặc dù vậy việc tác động gián tiếp đến thị trường BĐS Việt Nam như đã nói ở trên là có thể, Việt Nam đã lường trước tình hình này và Chính phủ đã có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn ảnh hưởng xấu.

Thị trường hàng hoá và dịch vụ: Sức cầu giảm

Sức cầu giảm cả trong sản xuất và tiêu dùng. Trong tình hình kinh tế thế giới đang suy thoái, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam mặc dầu đã được cải thiện nhưng nói chung vẫn còn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh, thu hẹp quy mô do chi phí sản xuất tăng đặc biệt là lãi vay ngân hàng. Năm 2008 các ngân hàng tăng lãi suất để phục vụ mục tiêu thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát, các doanh nghiệp rất khó khăn khi phải vay ngân hàng với lãi suất cao.

Bước sang năm 2009 với chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất ngân hàng đã giảm đáng kể, Chính phủ lại có chủ trương bù lãi suất 4% cho doanh nghiệp đối với những khoản vay ngắn hạn, điều đó  phần nào đã giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh giảm chi phí vốn, giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn lớn hiện nay đối với doanh nghiệp lại là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chừng nào kinh tế thế giới chưa phục hồi thì thị trường tiêu thụ (XK) vẫn còn  khó khăn. Trong lúc đó thị trường nội địa sức cầu đang hạn chế vì sức mua chưa tương xứng.

Các hoạt động dịch vụ sẽ bị thu hẹp, đặc biệt là lượng khách du lịch sẽ giảm, cho đến nay ngành du lịch đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi nhưng tình hình chung là chưa sáng sủa. 

Làm gì để ứng phó với khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế?

Trước những tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngay từ quý I/2008 Chính phủ Việt Nam đưa ra một loạt giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa những hậu quả khôn lường của “cơn bão tài chính”. Rất may là Việt Nam đã kịp thời áp dụng các biện pháp hợp lý để phòng vệ, chống bão ngay từ đầu năm. Các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô đã phát huy tác dụng, lạm phát giảm, tính thanh khoản giữa các ngân hàng được tăng cường, thanh khoản của thị trường được đảm bảo, thu hẹp cán cân thương mại, tăng cường ngân sách nhà nước, thắt chặt chi tiêu công, tăng dự trữ ngoại tệ.

Sự chao đảo của thị trường thế giới khiến giá nguyên liệu giảm cũng giúp Việt Nam “dễ thở” hơn và làm giảm gánh nặng ngân sách trợ cấp giá nguyên liệu. Các NHTM cũng được hỗ trợ bằng nhiều biện pháp của Ngân hàng Nhà nước. Nếu nhìn nhận từ góc độ kinh tế vĩ mô, các chỉ số kinh tế đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên bước sang năm 2009, khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn tiếp tục trầm trọng. Kinh tế thế giới suy thoái. Kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là nền kinh tế đang chịu tác động của suy giảm tổng cầu do xuất khẩu và đầu tư nước ngoài giảm sút.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã có Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp theo là Quyết định 131/2009/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 về hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn ngắn hạn nhằm giảm chi phí vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Không lâu sau đó, ngày 4/4/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 443/QĐ-TTg về việc cho vay hỗ trợ lãi suất cho cá nhân, tổ chức vay vốn trung, dài hạn bằng đồng Việt Nam để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, kết cấu hạ tầng tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm, tạo việc làm.

Thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính và các Bộ, ngành đã có những động thái phối hợp chính sách nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng và đầu tư, nới lỏng đáng kể chính sách tài chính tiền tệ và đảm bảo an sinh xã hội. Những chính sách đó là: nới lỏng tài khoá mà quan trọng nhất là Bộ Tài chính đã đưa ra là việc giảm, giãn nộp thuế, hoàn thuế (GTGT, TNDN và TNCN) điều chỉnh hàng rào thuế quan trong khuôn khổ cho phép của cam kết WTO để hỗ trợ sản xuất trong nước.

Đồng thời với việc tăng cường các khoản chi an sinh xã hội… Chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng được điều chỉnh kịp thời, linh hoạt nhằm hỗ trợ cho sản xuất trong nước. NHNN đã có những động thái nới lỏng tiền tệ đi liền với tăng cường kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng…

Các chính sách điều hành về tài khoá và tiền tệ trong những tháng qua là đúng hướng và kịp thời đã góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hiện chỉ có 12 nước có tốc độ tăng trưởng dương trong quý I/2009 trong đó có Việt Nam tăng trưởng 3,1% là một nỗ lực rất lớn. Nhìn chung kinh tế quý I/2009 đã có nhiều biểu hiện tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, giá cả, lãi suất, tỷ giá đều tương đối ổn định và nằm trong tầm kiểm soát. TTCK, thị trường BĐS từ tháng 4/2009 đến nay đã có dấu hiệu ấm lên.

Tăng trưởng kinh tế tuy thấp nhưng cũng đang có nhiều dấu hiệu khá lên từ đầu quý II. Xuất nhập khẩu tuy chịu tác động mạnh của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng cán cân thương mại đang thặng dư, cán cân thanh toán đảm bảo. Đây là những yếu tố quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội đang được Chính phủ chú trọng, đặc biệt là chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, những đối tượng bị tổn thương qua khủng hoảng kinh tế.

Mặc dù gần đây kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đã có những dấu hiệu phục hồi, nhưng khó khăn ở phía trước còn rất lớn. Để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

1. Tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết 30/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.

2. Tiếp tục thực hiện 09 nhóm giải pháp về tài chính theo Nghị quyết 30/2008/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời tích cực chủ động triển khai các biện pháp tài chính bổ sung theo tình hình mới gồm: Rà soát lại nhiệm vụ chi và sắp xếp lại cho phù hợp. Có phương án tìm nguồn bù đắp thâm hụt ngân sách, tăng cường các biện pháp chống thất thu. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh chủ trương xây nhà ở xã hội. Cần chuẩn bị các phương án kích cầu dự phòng trong trường hợp các giải pháp hiện nay chưa đủ liều lượng để kích thích quá trình phục hồi kinh tế.

3. Chính sách tiền tệ hiện nay về cơ bản là đúng hướng. Tuy nhiên, do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu chưa có hồi kết, tình hình sẽ biến động liên tục nên về mặt liều lượng, phải bám sát diễn biến của thị trường. Trong trường hợp cần thiết phải hạ lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu cho phù hợp với tình hình lạm phát để thúc đẩy sản xuất trong nước. Bám sát tình hình thị trường để điều chỉnh dần tỷ giá theo hướng có lợi cho xuất khẩu. Triển khai kịp thời hướng dẫn thực hiện Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 04/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao khả năng giám sát hệ thống để tránh rủi ro trong hoạt động tín dụng. NHNN chủ động giám sát các NHTM, tăng cường kiểm tra, kiểm toán nội bộ, khuyến khích các NHTM tăng vốn để đảm bảo an toàn hệ thống.

4. Tăng cường chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện các giải pháp kích cầu bù lãi suất, đảm bảo yêu cầu: đúng mục đích, thủ tục cho vay nhanh, có sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục các dự án cho vay.

5. Đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, đặc biệt là vốn năm 2009, đồng thời xem xét ngay các điều kiện để ứng vốn năm 2010. Năm 2009, nguồn vốn đầu tư rất lớn và rất nhiều nguồn khác nhau, việc kiểm tra, đôn đốc giải ngân tốt sẽ là nhiệm vụ quan trọng góp phần tăng trưởng hiệu quả của đầu tư. Thắt chặt chi tiêu và đầu tư công, nghiên cứu chuyển đầu tư công sang cho khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoặc vay nước ngoài. Đây cần xem như là chiến lược để khuyến khích các doanh nghiệp tập trung cho sản xuất và thị trường.

6. Nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới. Kích thích phát triển thị trường trong nước. Đẩy mạnh việc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Đổi mới cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và thị trường xuất khẩu: Tập trung vào xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam có lợi thế.

7. Chọn lọc nhập khẩu: Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tranh thủ nhập khẩu các mặt hàng, công nghệ hiện đại mà các nước phát triển phải bán đi do kinh tế của họ khó khăn.

8. Tận dụng cơ hội để thu hút vốn đầu tư. Dòng vốn trên thế giới sẽ tập trung vào những nơi có môi trường chính trị và kinh doanh ổn định. Việt Nam đang có lợi thế này và vì vậy cần tận dụng tốt cơ hội.

9. Có phương án cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là đổi mới và hoàn thiện thể chế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh tiến trình cổ phần hoá và cải cách khu vực DNNN.

10. Thành lập cơ quan giám sát hỗn hợp liên ngành để tăng cường giám sát các gói kích cầu, trong đó có gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch.

11. Đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả, minh bạch.