Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo
(Tài chính) Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Công Thương công bố, phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên phát triển.
Ngày 7/7, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là tiền đề để đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực như là đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.
Cụ thể, ngành cơ khí - luyện kim sẽ phát triển theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thiết bị đồng bộ có tính liên hợp cao và suất tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng thấp. Giá trị tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngành cơ khí – luyện kim giai đoạn đến năm 2020 đạt 15%-16%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 14%-15%.
Ngành hóa chất phát triển theo hướng sử dụng công nghệ cao, hiện đại tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, giảm thiểu và hạn chế thải các hóa chất độc hại ra môi trường. Giá trị tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngành hóa chất giai đoạn đến năm 2020 đạt 14%-16%, giai đoạn đến năm 2030 đạt 11%-13%.
Ngành điện tử công nghệ thông tin tiếp tục phát triển phương thức lắp ráp các thiết bị điện tử, tin học để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện tử trong nước và tham gia xuất khẩu. Giá trị tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngành này giai đoạn đến năm 2020 đạt 17%-18%, đến năm 2030 đạt 19%-21%
Ngành dệt may- da giày phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm. Giá trị tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngành dệt may - da giày giai đoạn đến năm 2020 đạt 10%-12%, đến năm 2030 đạt 8%-9%.
Dự kiến, đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.
Điểm mới đáng chú ý là Quy hoạch định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 3 ngành gồm cơ khí - luyện kim; điện tử - tin học, dệt may - da giày đồng thời, quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh và Đà Nẵng.
Để thực hiện quy hoạch, việc tạo cơ chế thu hút đầu tư với việc xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài là một giải pháp lâu dài.
Bên cạnh những thị trường truyền thống như Trung Quốc và các nước Đông Á, ASEAN, Hoa Kỳ, EU, quy hoạch chú trọng đến việc đẩy mạnh khai thác các thị trường lớn, tiềm năng đang phát triển như các nước nhóm BRICs (trong đó có Braxin, Nga, Ấn Độ). Ngoài ra, quy hoạch điều chỉnh chất lượng tăng trưởng công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ, điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ hay phát triển hệ thống dịch vụ công nghiệp và giải pháp về môi trường cũng được đặt ra cụ thể.