Việt Nam và Campuchia dẫn đầu Đông Nam Á về phục hồi sau COVID-19

Theo Ngọc Diệp/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Sự phục hồi tại Việt Nam từ sau đại dịch COVID-19 được nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ vị trí rất thấp trong bảng chỉ số phục hồi cách đây khoảng hơn một năm, Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 nhờ chiến lược tiêm chủng thành công và quản lý lây nhiễm hiệu quả.

Campuchia và Việt Nam đang dẫn đầu sự phục hồi của khu vực Đông Nam Á sau đại dịch COVID-19, theo kết quả của chỉ số phục hồi COVID-19 do Nikkei tính toán.

Khi chỉ số này bắt đầu được tính toán vào tháng 7/2021, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 100. Tuy nhiên từ đó đến nay, Campuchia và Việt Nam đã phục hồi vô cùng ấn tượng và đứng trong top 10 nước phục hồi nhanh nhất đến 4 tháng liên tiếp.

Một số nước thành viên thuộc Đông Nam Á cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể so với trước đây khi đó nhóm nước khu vực này thường đứng ở vị trí cuối bảng.

Nikkei đánh giá và xem xét tình hình tại 121 nước và khu vực trên thế giới dựa trên việc quản lý lây nhiễm, triển khai tiêm vaccine và tính linh động xã hội. Xếp hạng cao hơn cho thấy sự phục hồi mạnh hơn, nổi bật nhất phải kể đến tỷ lệ lây nhiễm và tử vong thấp, tỷ lệ tiêm tốt cũng như các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ.

Theo quan sát của Nikkei trong vòng 15 tháng qua, ngay cả những nước từng trải qua tình trạng lây nhiễm nặng nề cũng đã có thể xoay chuyển được tình thế, ban đầu nhờ chiến dịch tiêm vaccine mạnh tay và sau đó nới lỏng dần kiểm soát đi lại.

Nikkei nhận xét trong khoảng thời gian 1 năm đầu của đại dịch COVID-19, Campuchia và Việt Nam từng có thành công lớn trong kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên biến chủng Delta vào giữa năm 2021 đã gây ra nhiều tác động nặng nề. Chính vì vậy, chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách mạnh tay, trong đó có phong tỏa.

Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng đã được hai nước thực hiện thành công. Việt Nam đạt tối đa trong thang điểm 30 về chỉ số tiêm chủng còn Campuchia đạt 29 điểm. Chính phủ cả hai ước đồng thời cũng đã gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại thời kỳ COVID-19 và mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế.

Các diễn biến này đã giúp mang đến triển vọng kinh tế sáng sủa hơn. Trong dự báo mới nhất được công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay lên 7,2% từ mức 5,3%; dự báo với Campuchia được điều chỉnh lên 4,8% từ 4,5%. WB đồng thời nâng dự báo tăng trưởng của Malaysia và Thái Lan lên 6,4% và 3,1%.

Malaysia đứng thứ 38 về chỉ số phục hồi kinh tế còn Thái Lan đứng thứ 70.

Hai nền kinh tế khác trong Đông Nam Á đi xuống trong xếp hạng mới nhất, Lào đứng thứ 89 từ vị trí 79 trước đó, còn Philippines xuống vị trí 101 từ vị trí 97.