Việt Nam và Trung Quốc dẫn đầu sự phục hồi của các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương
Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới, trong khi nhiều quốc gia sẽ ghi nhận mức tăng trưởng sụt giảm khi phải vật lộn để thoát khỏi đại dịch Covid-19 thì chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có nền kinh tế phục hồi theo hình chữ V.
Trung Quốc được kỳ vọng sẽ dẫn đầu sự phục hồi của các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương trong năm nay. Nền kinh tế lớn nhất khu vực này được dự đoán sẽ tăng trưởng 8,1% vào năm 2021, kéo theo mức tăng trưởng 7,4% trên toàn khu vực. Nếu không tính đến Trung Quốc, tăng trưởng ở Đông Á và Thái Bình Dương sẽ chỉ ở mức 4,4%, cải thiện so với mức giảm 3,7% vào năm 2020 nhưng vẫn dưới mức trung bình dài hạn.
Việt Nam cũng là quốc gia có nền kinh tế nổi bật với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 6,6% trong năm 2021. Trung Quốc và Việt Nam nằm trong số tương đối ít quốc gia chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi đại dịch Covid-19 và nằm ngoài suy thoái vào năm 2020.
Ngân hàng Thế giới cho biết: “Tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia sẽ phụ thuộc vào việc xuất hiện vi rút Corona chủng mới; khả năng tranh thủ tận dụng sự phục hồi của thương mại quốc tế; và năng lực của các chính phủ trong việc hỗ trợ tài khóa và tiền tệ ”.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Sự phục hồi kinh tế toàn cầu, trong đó một phần nhờ những nỗ lực kích thích từ Hoa Kỳ sẽ phục hồi thương mại hàng hóa và có thể tạo ra ngoại lực khiến mức tăng trưởng trung bình tăng khoảng 1%. Tuy nhiên, ngành du lịch trên toàn cầu dự kiến sẽ vẫn ở dưới mức trước đại dịch cho đến năm 2023 và trì hoãn sự phục hồi kinh tế ở các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch."
Các chiến dịch tiêm chủng được tổ chức thành công và sớm kiểm soát đại dịch, cùng với cải cách chính sách và phổ biến công nghệ mới có thể khiến mức tăng trưởng kinh tế chuyển biến tích cực ngoài mong đợi.
Ngược lại, việc đối phó Covid-19 chậm trễ cũng có thể dẫn đến viễn cảnh kinh tế xấu hơn dự đoán, đồng thời làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao, gây chết người và kháng với các loại vắc xin hiện có.
Ngân hàng Thế giới tiếp tục kêu gọi các quốc gia trong khu vực cần hành động khẩn trương để đảm bảo phục hồi kinh tế bao trùm, xanh và bền vững cũng như gia tăng hợp tác quốc tế trong sản xuất, phê chuẩn, phân phối vaccine dựa trên nhu cầu để giúp ngăn chặn đại dịch.