Việt Nam xếp thứ 9 về Chỉ số thương mại bền vững 2018

PV.

Chỉ số thương mại bền vững năm 2018 của Việt Nam tăng 2 điểm so với năm 2016, xếp thứ 9/20 nền kinh tế tham gia Bảng xếp hạng “Chỉ số thương mại bền vững”.

Hội thảo giới thiệu Chỉ số Thương mại bền vững 2018. Nguồn: vov.vn
Hội thảo giới thiệu Chỉ số Thương mại bền vững 2018. Nguồn: vov.vn

Bảng xếp hạng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Hinrich Foundation – Tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và phát triển chính sách thương mại ở châu Á công bố ngày 23/11/2018.

Báo cáo “Chỉ số thương mại bền vững” do Tổ chức Hinrich Foundation phối hợp với Economist Intelligence Unit (đơn vị nghiên cứu thương mại quốc tế hàng đầu thế giới) thực hiện nghiên cứu và đánh giá. Bảng “Chỉ số thương mại bền vững” được công bố lần đầu tiên vào năm 2016.

Theo Báo cáo “Chỉ số thương mại bền vững năm 2018”, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các trụ cột trong bảng chỉ số thương mại bền vững.

Đối với trụ cột kinh tế, chỉ số của Việt Nam đã được cải thiện, nhất là các chỉ số về giảm bớt các rào cản thuế quan, phi thuế quan và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng đạt mức điểm cao về độ mở cửa thị trường.

Về trụ cột xã hội, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được những bước cải thiện nhất định trong Bảng chỉ số thương mại bền vững. Theo đó, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8, cao hơn các nước có thu nhập trung bình như: Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Theo đánh giá, Việt Nam đã hạn chế được sự bất bình đẳng trong xã hội và cải thiện tiêu chuẩn lao động.

Đối với trụ cột môi trường, nhờ giảm bớt sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên trong xuất khẩu, điểm chỉ báo môi trường của Việt Nam đã tăng 8 bậc và xếp thứ 8 trong Bảng xếp hạng. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng điểm nhờ vào sự tham gia và cam kết các nghị định quốc tế về môi trường, góp phần đảm bảo tính môi trường bền vững ở quy mô quốc gia.

Bên cạnh các kết quả trên, theo khuyến nghị của các chuyên gia, để đảm bảo thương mại là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở Việt Nam, Việt Nam cần khắc phục xu hướng suy giảm lực lượng lao động, do già hóa dân số; giảm trừ các chi phí thương mại liên quan đến cơ sở hạ tầng, hậu cần và các chi phí khác từ hệ thống pháp lý và quản lý.