Vietcombank – Xây nền tảng để phát triển bền vững

L. Hưng - V.Nga

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2021. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các Ban, ngành trung ương, Ban lãnh đạo và đông đảo cán bộ, nhân viên của Vietcombank

Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành (ngoài cùng, bên phải) và  Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đoàn Thái Sơn (ngoài cùng, bên trái) trao Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động hạng Nhì–Ba cho các tập thể và cá nhân của Vietcombank
Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành (ngoài cùng, bên phải) và Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đoàn Thái Sơn (ngoài cùng, bên trái) trao Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động hạng Nhì–Ba cho các tập thể và cá nhân của Vietcombank

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết: Hội nghị được tổ chức vào dịp nhiều ý nghĩa khi cả đất nước đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chuẩn bị chào đón Xuân mới Tân Sửu.

Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu tại hội nghị
Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu tại hội nghị

Năm 2020, kinh tế thế giới biến động với nhiều bất thường, cạnh tranh thương mại quốc tế lên đến đỉnh điểm, cùng với đó là đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng, tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Đất nước ta đồng thời chịu thảm hoạ kép, từ đại dịch Covid-19 cho đến thiên tai bão lũ, đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đã khiến đất nước ta đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, với chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, năm 2020 đất nước ta đã thực hiện thành công mục tiêu kép: duy trì phòng chống dịch Covid-19  hiệu quả và duy trì phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 2,91% - một trong số ít những nền kinh tế tăng trưởng dương ở mức cao.

Đóng góp tích cực vào thành công của đất nước ta trong năm qua, ngành Ngân hàng đã thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, điều hành chính sách tiền tệ ổn định và thanh khoản các tổ chức tín dụng (TCTD) từ ổn định trong các năm trước đây chuyển sang dồi dào trong năm 2020. Thị trường ngoại hối được điều hành linh hoạt, sau 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành đưa mặt bằng lãi suất cho vay đang ở ngưỡng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Việc tăng trưởng tín dụng trên 12% trong bối cảnh sức hấp thụ vốn yếu, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng. Kết quả trên đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế hợp lý, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm trong khu vực và toàn cầu.

Ngay từ đầu năm 2020, Ban lãnh đạo Vietcombank đã quyết nghị những chính sách, chủ trương lớn tập trung vào 4 đột phá chiến lược gồm: chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh doanh theo chiều sâu, hoàn thiện hệ thống các cơ chế chính sách để quản trị điều hành kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng thích ứng với ngân hàng số, hoàn thiện nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) và triển khai ngân hàng số kiên định với mục tiêu đã lựa chọn.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, Ban lãnh đạo Vietcombank đã quyết nghị thay đổi, điều chỉnh định hướng phù hợp với thị trường. Kết thúc năm 2020, Viecombank tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mang tính đột phá và đạt được những kết quả ấn tượng như:

 (i) Triển khai đồng bộ các kịch bản phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, đảm bảo duy trì hoạt động toàn hệ thống bình thường;

(ii) Tiên phong, chủ động đi đầu trong giảm lãi suất cho doanh nghiệp với lịch sử 5 lần cắt giảm lãi suất cho vay với con số kỷ lục là 3.700 tỷ đồng hỗ trợ cho các DN và người dân ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh;

(iii) Tăng cường cung ứng vốn tín dụng hợp lý và các nhu cầu vốn chính đáng, hiệu quả của DN và người dân, quy mô tăng trưởng tín dụng cao nhất toàn ngành ngân hàng trong năm 2020;

(iv) Kiểm soát chất lượng nợ xấu được thực hiện tốt trong bối cảnh thị trường khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, qua đó đưa tỉ lệ nợ  xấu của Vietcombank giảm còn 0,61% trên tổng dư nợ, đây cũng là mức thấp nhất trong các TCTD và thấp nhất trong lịch sử của Vietcombank;

(v) Duy trì vị trí vững chắc về  hiệu quả hoạt động kinh doanh, là ngân hàng có hiệu quả kinh doanh cao nhất trong các TCTD, là ngân hàng nộp ngân sách lớn nhất cả nước;

(vi) Triển khai thành công các hoạt động công tác Đảng nhiệm kỳ 2020–2025;

(vii) Hình ảnh và uy tín của Vietcombank không chỉ được khẳng định trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Vietcombank đồng thời cũng là doanh nghiệp niêm yết duy nhất của Việt Nam có tên trong Top 1000 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu. Lần đầu tiên, giá cổ phiếu VCB vượt lên trên 100.000đ/cổ phiếu và trở thành doanh nghiệp có mức vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước những diễn biến bất thường của môi trường kinh tế - xã hội, Vietcombank đã luôn tiên phong triển khai đồng bộ và mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân đồng thời nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công “đa mục tiêu”: Phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả; Chia sẻ khó khăn với khách hàng và Phát triển kinh doanh bền vững. Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất của Vietcombank đạt ~23.068 tỷ đồng tương đương quy mô như năm 2019.

 Tổng huy động vốn thị trường I đạt 1.053.451 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2019, đạt 104,6% kế hoạch năm 2020. Chủ động cơ cấu lại danh mục huy động vốn từ thị trường II theo hướng hiệu quả. Tổng huy động vốn đạt 1.089.840 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 2019. Dư nợ tín dụng đạt 838.220 tỷ đồng, tăng 13,95% so với 2019, hoàn thành 103,6% kế hoạch năm 2020. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung các TCTD, tương ứng là 1,42% và 20,48%.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đoàn Thái Sơn đánh giá cáo những kết quả Vietcombank đạt được trong năm 2020
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đoàn Thái Sơn đánh giá cáo những kết quả Vietcombank đạt được trong năm 2020

Ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Vietcombank trong năm 2020, ông  Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh: Vietcombank đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh có hiệu quả vượt trội, vốn chủ sở hữu, hiệu quả kinh doanh, nợ xấu ở mức thấp nhất so với thị trường và thu hồi nợ có vấn đề, nợ ngoại bảng đạt kết quả rất tích cực so với mặt bằng chung của các Ngân hàng trong năm 2020. Vietcombank đã hoàn thành cơ bản và hoàn thành tốt các mục tiêu, được thể hiện tại Đề án tái cơ cấu 2016-2020.

Công tác quản trị điều hành, quản trị nội bộ đã tiệm cận dần với các chuẩn mực quốc tế và là ngân hàng đầu tiên đáp ứng chứng nhận Basel II, và hiện đang triển khai một số trụ cột của Basel III.

Thống nhất với một số mục tiêu, nhiệm vụ mà Ban Lãnh đạo Vietcombank đã đề ra trong năm 2021, Phó Thống đốc yêu cầu Vietcombank giữ vững vai trò chủ đạo tiên phong trong khối các doanh nghiệp nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại Việt Nam; Tổng kết đánh giá lại Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 để chủ động xây dựng phương án, đề án cơ cấu Vietcombank trong giai đoạn 2020–2025; Tiếp tục phát huy việc kiểm soát chặt chẽ, cắt giảm chi phí hoạt động để tiếp tục hỗ trợ các DN và người dân trong phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới; Nâng cao chuyển đổi số, có các biện pháp chặt chẽ về an toàn an ninh mạng; Thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm tra, kiểm toán nội bộ, chuẩn hoá các quy trình lao động tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Ông Phạm Quang Dũng – Tổng Giám đốc Vietcombank nhấn mạnh: Năm 2020, Vietcombank cần tập trung thực hiện 5 đột phá chiến lược và 3 trọng tâm, quan trọng nhất là đảm bảo mục tiêu dẫn đầu chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Ông Phạm Quang Dũng – Tổng Giám đốc Vietcombank nhấn mạnh: Năm 2020, Vietcombank cần tập trung thực hiện 5 đột phá chiến lược và 3 trọng tâm, quan trọng nhất là đảm bảo mục tiêu dẫn đầu chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng đã quán triệt đến các đại biểu về nội dung Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021. Tổng giám đốc yêu cầu các đơn vị quán triệt phương châm hành động của Chính phủ năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chung và các nhóm nhiệm vụ gắn mật thiết với hoạt động của Vietcombank.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc cũng đưa ra những chỉ đạo, định hướng kinh doanh trong năm 2021 là tiếp tục quán triệt phương châm hành động: “Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững”, và quan điểm chỉ đạo điều hành “Trách nhiệm – Hành động – Sáng tạo”.

Trong đó, Tổng Giám đốc nhấn mạnh, năm 2020, Vietcombank cần tập trung thực hiện 5 đột phá chiến lược và 3 trọng tâm, quan trọng nhất là đảm bảo mục tiêu dẫn đầu chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Trên cơ sở đó, đối với Trụ sở chính, Tổng Giám đốc đề nghị các Phòng, các Khối: (i) Nhanh chóng rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách bao gồm cơ chế chính sách liên quan đến khách hàng, quản lý rủi ro, các quy định nội bộ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các chi nhánh; (ii) Sớm triển khai các định hướng của HĐQT đã phê duyệt trong việc gắn KPI của TSC với KPI của các chi nhánh một cách chặt chẽ hơn nữa, tạo ra sự đồng hành giữa các Chi nhánh và Trụ sở chính trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng cũng như công tác khách hàng; (iii) Nâng cao năng lực bộ máy kiểm tra nội bộ, quản lý rủi ro tại Trụ sở chính trong đó ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác kiểm tra kiểm toán nội bộ, phát triển năng lực làm chủ, khai thác các dữ liệu số trong kiểm soát rủi ro tín dụng; (iv) Sớm ban hành các cơ chế chính sách nhằm thu hút, giữ chân các nguồn lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, đảm bảo tiến độ các dự án chuyển đổi. (v) Tổ chức đầu tư mạnh mẽ, đúng hướng cho công nghệ và chuyển đổi số, từ đó cụ thể hoá chiến lược CNTT của Vietcombank đến năm 2025, trọng tâm là hiện đại hóa hạ tầng và nâng cao năng lực an ninh thông tin.

Tại Chi nhánh, các đơn vị cần lưu ý: (i) Việc cải thiện công tác phát triển khách hàng tín dụng bán lẻ và bán buôn là vô cùng cần thiết, cả Trụ sở chính và chi nhánh sẽ cùng vào cuộc; (ii) Cần tiếp cận khách hàng bán buôn một cách tổng thể, tiếp cận khách hàng bán lẻ theo định hướng phân khúc để gia tăng số lượng dịch vụ bình quân trên một khách hàng. Từ đó, nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro hoạt động, tín dụng bán lẻ; (iii)Toàn bộ CN cần thường xuyên tổ chức đào tạo, cập nhật các chính sách, quy trình nội bộ, đào tạo nâng cao cho cán bộ, nghiêm túc thực hiện chế độ luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác.

Kết luận chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành một lần nữa đánh giá cao những kết quả vượt trội và nổi bật trong hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống Vietcombank trong năm 2020 giữa bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đầy biến động. Trong giai đoạn khó khăn nhất, hệ thống Vietcombank cơ bản vẫn hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch, năng lực tài chính tiếp tục tăng cường, bền vững hơn. Đó là cách Vietcombank khẳng định vị trí ngân hàng số 1, đồng thời là nền tảng để Vietcombank tăng trưởng nhanh, vững chắc trong thời gian tới.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn (thứ sáu, từ phải sang) trao Cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân của Vietcombank.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn (thứ sáu, từ phải sang) trao Cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân của Vietcombank.

Ông Nghiêm Xuân Thành đề nghị, ngay sau Hội nghị, trưởng các đơn vị cần tổ chức quán triệt các văn bản, tài liệu chuyên đề tại Hội nghị và tinh thần chỉ đạo của BLĐ tới tất cả người lao động trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, cần thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021 theo lời kêu gọi đã được đồng chí Phó Tổng giám đốc - Chủ tịch Công đoàn Vietcombank thay mặt Ban lãnh đạo và Hội đồng thi đua khen thưởng phát động tới cán bộ nhân viên toàn hệ thống. Mặt khác, các đơn vị cần tăng cường quán triệt Chỉ thị 01/CT–NHNN, cụ thể hoá nội dung, phân bổ chỉ tiêu kế hoạch đến từng phòng, tổ và cá nhân tại đơn vị để hoàn thành chỉ tiêu Ban lãnh đạo giao.