Viettel, EVN và VNPT được giao nhiệm vụ gì trong các “siêu” dự án đường sắt sắp khởi công?

Lưu Thủy

Tại cả hai Phiên họp thứ nhất và hai của Ban Chỉ đạo Các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt vào đầu tháng 4 và 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và Tập đoàn EVN khi tham gia vào các “siêu” dự án đường sắt sẽ triển khai trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT  và EVN khi tham gia vào các “siêu” dự án đường sắt sẽ triển khai trong thời gian tới. Ảnh minh họa: ANTT
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT  và EVN khi tham gia vào các “siêu” dự án đường sắt sẽ triển khai trong thời gian tới. Ảnh minh họa: ANTT

Cụ thể, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT được giao phối hợp với Bộ Xây dựng để lựa chọn phương án triển khai phù hợp trong việc giao doanh nghiệp tiếp nhận, chuyển giao công nghệ về thông tin tín hiệu ngành đường sắt phục vụ các dự án đường sắt.

Phương án này phải hoàn thành trong tháng 6/2025.

 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp tư nhân).

Bộ Xây dựng xây dựng Nghị định quy định Tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; phấn đấu chậm nhất trước ngày 15/6.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, hướng dẫn Chủ đầu tư về cung cấp điện nguồn, hệ thống điện của các dự án đường sắt điện khí hóa; đồng thời, tiếp tục rà soát nhu cầu điện đảm bảo cung cấp cho các dự án đường sắt.

Nhiệm vụ này phải hoàn thành trong tháng 6/2025.

EVN được Thủ tướng giao nhiệm vụ cùng các địa phương khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, chủ động ứng vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các Dự án Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Hàng tháng, EVN và các địa phương báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng về Ban Chỉ đạo qua Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Khi được giao nhiệm vụ tham gia các dự án đường sắt lớn, Viettel đã phủ sóng băng rộng di động 100% các tuyến đường sắt và đường quốc lộ, tuyến đường cao tốc, 3 tuyến đường sắt đô thị từ năm 2024. Viettel đặt mục tiêu phủ sóng 5G vào năm 2026 như tốc độ phủ sóng 4G.

Trong khi đó, Vinaphone hiện đã phủ sóng 5G tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. VNPT đặt mục tiêu tăng vùng phủ sóng 5G lên gấp 3 lần, tiến tới phủ sóng 99% dân số trong năm 2025; cung cấp dịch vụ internet trên các tàu bay của Vietnam Airlines; phủ sóng mạng di động, hệ thống wifi free cho các sân bay khác của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Còn với EVN, Tập đoàn này đang cung cấp điện ổn định cho 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội. Tại metro Bến Thành - Suối Tiên, EVN đã áp dụng hệ thống lấy điện trên cao qua đường dây riêng biệt, đảm bảo tính ổn định và liên tục.

Ngoài 3 doanh nghiệp nêu trên, tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, riêng với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Thủ tướng Phạm Minh Chính giao doanh nghiệp này khẩn trương phối hợp với UBND TP. Hà Nội triển khai thủ tục giao đất Tổ hợp công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án đường sắt theo quy định.

VNR phối hợp với Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp và Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt, xác định rõ những công việc Tổng Công ty có thể đảm nhận phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt.

 

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài 418 km, vốn đầu tư 8,37 tỷ USD (hơn 203 tỷ đồng), dự kiến khởi công vào cuối năm 2025.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.541 km, vốn đầu tư 67 tỷ USD (1,7 triệu tỷ đồng), dự kiến khởi công cuối năm 2026.

7 tuyến metro tại TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 355 km, tổng vốn đầu tư 42 tỷ USD (hơn 1.091 tỷ đồng).

10 đoạn tuyến, tuyến metro ở Hà Nội có tổng chiều dài 398 km, tổng vốn đầu tư 37,1 tỷ USD (gần 964 tỷ đồng).