VN-Index tích lũy năm 2024 để bứt phá năm 2025
Cơ hội cho thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2025 còn nhiều sau khi “thẩm thấu” những thông tin hỗ trợ trong và ngoài nước, cũng như kỳ vọng nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi năm sau.
Ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Kinh doanh Số, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã có những chia sẻ về TTCK Việt Nam dưới tác động của việc hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng như dự báo chỉ số VN-Index trong thời gian tới.
Phóng viên: Ông có nhận định thế nào về diễn biến thị trường hiện nay và định giá thị trường?
Ông Nguyễn Việt Đức: Theo tôi, thị trường hiện nay vẫn đang "hơi đắt" về định giá với P/E 14 lần, để định giá rẻ hơn thì giá phải giảm hoặc lợi nhuận đi lên.
Kịch bản ở đây là thị trường phải giảm mạnh hoặc đi ngang nhưng lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh. Khi đủ tích lũy về chất thì sẽ có thay đổi về lượng.
Thị trường đang có nhiều câu chuyện như Fed hạ lãi suất, Trung Quốc giảm suy thoái, nâng hạng thị trường… Ngoài ra, còn câu chuyện chu kỳ, tháng 11 đến tháng 4 hàng năm là thời kỳ tăng mạnh nhất của TTCK thế giới thì TTCK Việt Nam cũng vậy.
Thị trường hiện nay đang rất giống với thị trường năm 2015: tích lũy để chờ thời điểm bứt phá. Năm đó, Trung Quốc đã phá giá tiền tệ khoảng 8%, kéo Việt Nam cũng phải điều chỉnh theo. Hiện nay, Trung Quốc rơi vào câu chuyện suy thoái và giảm phát – tệ nhất của suy thoái. Quá trình này của Trung Quốc kéo dài 2 đến 3 năm, từ sau đại dịch COVID-19, TTCK Trung Quốc không thể phục hồi được. TTCK Mỹ vượt đỉnh, các nước khác ở giữa nhưng TTCK Trung Quốc vẫn ở đáy 10 năm.
Trung Quốc vừa hạ tiếp lãi suất cơ bản, sẵn sàng kích thích kinh tế. Rất nhiều nhà đầu tư quốc tế đang chờ Trung Quốc khi hiện P/E của TTCK nước này chỉ có 10 lần – định giá thấp nhất trong lịch sử. Nhà đầu tư chờ Trung Quốc bơm tiền và vừa rồi nước này đã có động thái. Việc họ hạ lãi suất cho thấy sẵn sàng hơn trong một gói kích thích kinh tế mới.
Nếu kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, Trung Quốc kết thúc được giảm phát để đi lên thì đây là cơ hội vàng. Thiên thời là các nước trên thế giới, địa lợi là Việt Nam vào được thị trường mới nổi và nhân hòa là lợi nhuận doanh nghiệp sau 2 năm đi ngang tăng trưởng trở lại.
Phóng viên: Vậy, diễn biến TTCK trong tháng 10 tới sẽ theo kịch bản như thế nào?
Ông Nguyễn Việt Đức: Tôi cho rằng thị trường tháng 10 năm nay khó đi lên. Do năm nay có bầu cử Mỹ, trước bầu cử Mỹ khó có sóng. Sóng bầu cử Mỹ sẽ có 2 đợt, đợt 1 là tháng 8 và 9 lúc các ứng cử viên của Mỹ có động thái rõ về kinh tế. Sau đó, TTCK đi ngang, đầu tháng 11 bầu cử xong sẽ có sóng – đó là sóng tăng mạnh.
Do vậy, trong tháng 10 cũng chưa có điều gì xảy ra, nếu có nhịp giảm là cơ hội mua vào. Mặt khác, lợi nhuận quý III cũng không có đột biến phải qua quý IV mới mạnh hơn.
Theo thống kê, nếu chỉ đầu tư từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau và để tiền đứng ngoài từ tháng 4 đến tháng 10 thì sinh lời gấp 3 lần chỉ số. TTCK Việt Nam bị ảnh hưởng nhất bởi Mỹ, độ tương thích đến 90%. Nguyên nhân vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, câu chuyện FDI.
Phóng viên: Theo ông, nên phân bổ danh mục như thế nào?
Ông Nguyễn Việt Đức: Tôi cho rằng các nhà đầu tư chuyên nghiệp nên dành 10 – 20% danh mục đưa vào quỹ đầu tư, cho mục tiêu dài hạn. Còn 80% danh mục để lướt sóng. Điều đó đảm bảo cho nhà đầu tư không bị mất sóng thị trường.
Phóng viên: Nhắc đến đầu tư qua các quỹ, có thể thấy, thời gian vừa qua không phải dễ dàng cho nhà đầu tư nhưng nhiều quỹ vẫn có hiệu suất đầu tư rất tốt. Ông nghĩ sao?
Ông Nguyễn Việt Đức: Nếu nhìn lại, hiệu suất các quỹ trong 8 tháng đầu năm rất tốt, một số quỹ hàng đầu thị trường có hiệu suất lên tới 33%. VPBankS cũng có danh mục gọi là ePortfolio, hơi hướng như quỹ. Có danh mục cổ phiếu ePortfolio của chúng tôi đạt hiệu suất đến 34% trong 8 tháng đầu năm.
Bản thân tôi là nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng cũng phân bổ một phần danh mục các quỹ đó. Vì sao các quỹ có hiệu suất tốt như vậy? Nhìn vào TTCK Việt Nam, một số điểm khiến cho câu chuyện quỹ hấp dẫn. Ở nước ngoài, đến 80% nhà đầu tư đầu tư theo quỹ, Việt Nam ngược lại 90% cá nhân và 10% quỹ. Việc các nhà đầu tư cá nhân mua bán nhiều tạo lợi thế cho các quỹ.
Hơn nữa, ở Việt Nam, chúng ta hay bám theo VN-Index – vốn chịu ảnh hưởng của một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Còn các quỹ loại bỏ những doanh nghiệp không làm ăn tốt giai đoạn này, cô đọng lại chọn ra khoảng 8 đến 9 mã cổ phiếu.
Các quỹ bây giờ không giống hồi xưa mua 20 đến 30 mã – không bao giờ đánh bại thị trường. Hiện nay, các quỹ chỉ đầu tư 8 đến 9 mã và phân bổ tỷ trọng rất cao, những mã lớn có thể phân bổ tỷ trọng lên đến 15 – 20% tổng danh mục.
Nếu không cô đặc thì không bao giờ thắng được thị trường.
Phóng viên: Cảm ơn ông đã chia sẻ!