Vốn cho nông nghiệp, bài toán vẫn cần lời giải
(Tài chính) So với yêu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành Nông nghiệp, dư nợ tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, hiện chiếm 22% tổng dư nợ của nền kinh tế, vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng thời gian qua, mặc dù nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đến được với khu vực nông nghiệp, nông thôn theo chiều hướng tích cực, nhưng vẫn chưa theo kịp với tình hình thực tế mà nguyên nhân là do thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành cùng với hệ thống ngân hàng.
Thêm vào đó, hoạt động cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn lại thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro mang yếu tố khách quan như thiên tai cũng như các rủi ro về thị trường.
Nguyên nhân thiếu vốn
Theo đánh giá của Vụ Tín dụng NHNN, lúa gạo cùng với thủy sản và cây ăn trái là những thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước. Tuy nhiên, tình trạng người nông dân "được mùa mất giá, được giá mất mùa" vẫn thường xảy ra cùng với việc quy hoạch nuôi trồng thủy sản tràn lan, sự hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp... đã làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng cho các mặt hàng này.
Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn cho nông nghiệp và nông thôn khu vực ĐBSCL là rất lớn trong khi lượng vốn cho vay không đáp ứng được hết, đặc biệt trong bối cảnh khả năng huy động vốn tại chỗ còn rất hạn chế. Lượng vốn trung và dài hạn cho sản xuất vẫn còn rất thấp. Hiện lượng vốn huy động chỉ đáp ứng được khoảng 67% tổng nhu cầu vốn của toàn vùng. Vì vậy, lượng vốn thiếu hụt hàng năm được ngân hàng điều chuyển từ khu vực khác đến để cho vay ở khu vực này.
Thực tế, ngoài lý do vì tình hình kinh tế chung đang còn khó khăn, việc đói vốn của nông nghiệp ở khu vực này được lý giải với nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ tâm lý của người dân chưa có thói quen gửi tiết kiệm, các giao dịch với ngân hàng còn khá hạn chế. Theo khảo sát của Tổ chức JICA (Nhật Bản) thì tiết kiệm qua ngân hàng ở khu vực ĐBSCL còn rất thấp, chỉ đạt 12,5% tổng tiết kiệm. Ngoài ra, mức thu nhập của người dân ở khu vực này chưa cao nên lượng tích lũy và tiết kiệm còn thấp, từ đó làm giảm nguồn cung ứng vốn trung và dài hạn cho quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Còn Phó Chủ tịch UBND Kiên Giang, ông Lâm Hoàng Sa cũng nhận định, hiện nay, cơ chế khuyến khích cho vay nông nghiệp nông thôn còn mang tính cào bằng giữa 8 nhóm đối tượng chính sách đồng thời cũng chưa có cơ chế khuyến khích để các tổ chức tín dụng cho vay các phương án, dự án mang tính chất nền tảng, mở đường cho nông nghiệp nông thôn phát triển như xây dựng cơ ở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ sản xuất giống cây…
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, người nông dân đang phải nộp nhiều loại thuế và phí. “Riêng việc xử lý các khoản phí này cũng đủ là gánh nặng đối với các hộ nông dân. Thậm chí, sẽ đến lúc người nông dân phải đi vay tiền ngân hàng để đóng các loại phí này,” ông Ánh nói.
Phát huy hiệu quả vốn "mồi"
Một trong những cách giải quyết vốn cho nông nghiệp tại ĐBSCL là việc liên kết doanh nghiệp và nông nghiệp trong mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đưa ra dẫn chứng thực tế cách làm hiệu quả từ mô hình “cánh đồng mẫu lớn” như sau: Hầu hết nông dân làm nông nghiệp ở ĐBSCL đang thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật, gặp trở ngại trong mua vật tư đầu vào và khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ra đời đã giải quyết được những cái khó trên khi doanh nghiệp cung ứng vật tư, giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Kết quả cho thấy mô hình này doanh nghiệp đã giúp nông dân thu lợi thêm được 962 đồng/kg lúa. Cũng từ mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, doanh nghiệp đã hấp thụ nguồn vốn lớn từ ngân hàng, sau đó hỗ trợ cho nông dân thông qua việc đầu tư vật tư, giống, thu mua sản phẩm… Đây là cách làm mới mà tất cả các bên tham gia như ngân hàng, doanh nghiệp, nông dân… đều có lợi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Ánh cũng cho rằng một mình ngân hàng sẽ không thể xử lý được vấn đề vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn, mà rất cần có sự tham gia của nhiều nguồn lực từ ngân sách, từ các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài… Đặc biệt, trong bối cảnh cần “vốn mồi vốn” như hiện nay thì việc đưa ra những “sáng kiến” để tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức là rất cần thiết.
Trong năm 2014, Chính phủ đã quyết định dành 15.000 tỷ đồng vốn trái phiếu để “tiếp sức” cho chương trình nông thôn mới. Nguồn vốn này đã được xác định chủ yếu sẽ “chảy” vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên với yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay, đây cũng chỉ được coi như một khoản “vốn mồi” để thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào sản xuất nông nghiệp.
Do đó, việc sử dụng nguồn “vốn mồi” có hiệu quả chính là cách duy nhất để tạo đà phát triển cho nông nghiệp hiện nay.