Vốn cho vay mua, thuê nhà ở xã hội: Không chỉ trông chờ vào ngân sách
Ngay khi ra đời, Chương trình cho vay ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Chương trình) đã được người nghèo, người có thu nhập thấp đón nhận nồng nhiệt.
Tuy nhiên, “trong bối cảnh vốn quá ít - cầu quá cao như hiện nay, việc thực hiện Chương trình không chỉ trông vào ngân sách mà rất cần sự góp sức của các địa phương trong tạo lập nguồn vốn…”, ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đề xuất.
Muối bỏ bể
Từ giữa năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã duyệt chi bổ sung 2.000 tỷ đồng ngân sách, trong đó dành một phần cho chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng trong trường hợp còn thiếu; số còn lại bổ sung cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội.
Đến nay, sau mọi nỗ lực cân đối, Chương trình đã có 1 nghìn tỷ đồng để thực hiện, trong khi “từ nay đến năm 2020, phải cần tới 19 nghìn tỷ đồng”, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý thông tin tại cuộc họp với báo chí chiều 11/4.
Làm phép tính đơn giản sẽ thấy nguồn lực cho Chương trình chỉ như muối bỏ bể. Một nghìn tỷ đồng nếu chia cho 63 tỉnh thành thì mỗi địa phương chỉ có vài chục tỷ đồng. Như vậy, cơ hội tiếp cận nguồn vốn ít ỏi này của đa phần các đối tượng sẽ không cao.
Đơn cử, nếu NHCSXH Hà Nội được phân giao 50 tỷ đồng, tính trung bình mức vay mua nhà xã hội thì chỉ khoảng 150 người có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này. Đây là con số quá nhỏ so với hàng nghìn hộ gia đình thuộc đối tượng được vay đang có nhu cầu vay vốn ưu đãi trên địa bàn Thủ đô.
Phó Giám đốc NHCSXH Hà Nội Hoàng Liên Sơn cho biết, NHCSXH Hà Nội đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã khảo sát nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội ở các khu vực và báo cáo UBND thành phố.
Trên cơ sở đó, sẽ căn cứ nguồn vốn, số lượng người vay, tiến hành bình xét, chấm điểm và lựa chọn đối tượng vay từ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn; rồi xét cho vay theo thang điểm từ cao xuống thấp, theo quy định tại Nghị định 100. Ông Sơn chia sẻ thêm, nguồn vốn vay chỉ dành cho người dân, không dành cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.
Làm gì khi vốn ít - cầu cao?
Bài toán đặt ra: Làm thế nào để hài hòa được giữa cung - cầu trong khi sự chênh lệch giữa hai yếu tố này quá lớn? Theo Ủy viên Thường trực UB Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng, Chương trình này không thể chỉ trông chờ vào bầu sữa ngân sách. Đây là một chính sách nhân văn, tạo sự ổn định xã hội, bảo đảm an sinh nên các địa phương, cấp, ngành phải cùng vào cuộc, tạo lập nguồn vốn để Chương trình đạt được hiệu quả cao nhất.
Để tăng số lượng người thuộc diện được vay vốn có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp 4,8% từ NHCSXH, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam đề xuất, trong số 2 nghìn tỷ đồng QH duyệt, nên trích khoảng 800 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Số còn lại, dành 600 tỷ đồng dùng theo hình thức bù lãi suất cho vay tại một số ngân hàng thương mại - khoảng 3% - cho những đối tượng mua nhà xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ với mức giá nhà dưới 1,05 tỷ đồng/căn.
“Nếu bù lãi suất 3% cho vay từ các ngân hàng thương mại thì sẽ tạo ra dòng tiền khoảng 20.000 tỷ đồng đổ vào nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Như vậy sẽ tạo được dòng vốn rất lớn cho thị trường này”, tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho số người nghèo, người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp” - ông Nam khẳng định.
Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cho biết, ngân hàng đã sẵn sàng nhập cuộc để giải ngân nguồn vốn. “Chúng tôi sẽ dựa vào kế hoạch của địa phương xây dựng để làm căn cứ phân giao nguồn vốn.
Việc xét và tiến hành thẩm định các đối tượng vay cũng dựa vào địa phương, các hội, đoàn thể, trong đó, chính những người trong cuộc sẽ tự bình xét cho mình. Đó là kinh nghiệm mà NHCSXH đã thực hiện hơn 20 Chương trình khác - và cũng là cách bảo đảm công bằng nhất cho người vay”, ông Lý cho hay.
Một nội dung được nhiều người quan tâm là Khoản 5 Điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.
Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, trước mắt, NHCSXH đưa ra sản phẩm vay rồi mới gửi tiết kiệm. Sau này, khi chủ động về vốn mỗi năm, ngân hàng sẽ thực hiện sản phẩm tiết kiệm rồi mới cho vay. Hai phương pháp này đều đúng luật. Khách hàng cần xác định rõ, hoạt động tiết kiệm này không phải để lấy lãi mà thực chất là hoạt động thực hành tiết kiệm của người vay vốn nhằm tạo vốn tự có tham gia vào dự án vay vốn.