Vốn chưa tìm thấy lối ra

Nguyễn Hoài (Vneconomy)

Theo đánh giá của các chuyên gia, với mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong lịch sử do cung cầu không gặp nhau thì bài toán vốn cuối năm vẫn chưa tìm thấy lối ra.

Vốn chưa tìm thấy lối ra
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2012 tăng đột biến ở mức 2,2% đã chấm dứt tình trạng CPI so với cùng kỳ giảm tốc liên tiếp trong 11 tháng trước đó, kể từ tháng 8/2011. Giới phân tích cho rằng, rất có thể vì lý do này, kết hợp với một số yếu tố vĩ mô khác chưa ổn định nên Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa nới lỏng tiền tệ.

Đầu vào ổn định

Theo phân tích của “Bản tin lãi suất quý 3/2012” từ một ngân hàng thương mại nhà nước, từ nay đến hết năm, có khá nhiều yếu tố để hỗ trợ sự ổn định của thị trường tiền tệ.

Thứ nhất, quan sát trên thị trường một, do diễn biến bất thường của CPI tháng 9/2012, báo hiệu lạm phát quay lại nên Ngân hàng Nhà nước một mặt không thể hạ các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn. Nhưng mặt khác, do tình hình sản xuất tiếp tục đình trệ nên Ngân hàng Nhà nước cũng chưa mạnh tay thắt chặt tiền tệ. Thay vào đó, nhà điều hành đang áp dụng chiến thuật “dè xẻn từng đồng” trên thị trường mở (OMO) và tái cấp vốn.

Cùng đó, nếu như thời điểm này ở những năm trước, thị trường bộc lộ sự căng thẳng vốn (tổ chức tín dụng đẩy cao lãi suất huy động và giao dịch thị trường liên ngân hàng sôi động) thì năm nay, nhu cầu cầu vốn không đến mức như vậy. Sở dĩ như vậy là bởi tăng trưởng huy động tính đến cuối 2012 được dự kiến đạt mức 14%, ước tính cao gấp 2-3 lần so với tăng trưởng tín dụng.

Từ mối tương quan này, một chuyên gia nhìn nhận rằng, đây sẽ là yếu tố quan trọng, đảm bảo cân đối nguồn vốn và cân bằng thanh khoản của hệ thống.

Thứ hai, ở thị trường liên ngân hàng, tình hình thanh khoản vẫn ổn định đến hết tháng 10 nhưng từ đó đến hết quý 1/2013, cầu vốn trên thị trường này ít nhiều nóng lên do tác động của tính mùa vụ.

Và chắc chắn, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp trên các kênh tái cấp vốn, OMO và đáo hạn tín phiếu nếu thấy cần. Nhóm nghiên cứu nói trên dự báo rằng, trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ bơm vào thị trường bình quân mỗi tháng khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Thứ ba, do nguồn vốn ổn định trong khi cầu vốn có nóng lên nhưng không gay gắt như các năm trước, nên những tháng cuối năm, vẫn là cơ hội không nhỏ cho thị trường trái phiếu Chính phủ. Xét ở phía cung, theo kế hoạch từ nay đến hết năm, Kho bạc Nhà nước tiếp tục chào bán khoảng 20 nghìn tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, trong khi, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) dự kiến phát hành thêm ước 12 nghìn tỷ đồng.

Còn ở phía cầu, trong quý 4/2012, lượng đáo hạn trái phiếu Chính phủ dự kiến nhiều hơn quý 3/2012 khoảng 11.375 tỷ đồng, cộng với lượng tiền từ đáo hạn trái phiếu Chính phủ bảo lãnh của VDB khoảng 1.400 tỷ đồng.

Trong khi tín dụng không tăng đột biến, cung trái phiếu Chính phủ dồi dào mà nguồn vốn đáo hạn vẫn có thì thị trường trái phiếu Chính phủ vẫn “có mua, có bán”. Nhưng, với trái phiếu doanh nghiệp lại khác, bởi tình trạng sản xuất đình trệ, báo cáo tài chính gian dối nên ít ai đầu tư vào kênh này.

“Van nước” vẫn tắc!

Lo cho nguồn vốn cuối năm, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết: “Sáng ngày 17/10, chúng tôi đã họp bàn chuẩn bị đáp ứng nhu cầu vốn cho thanh toán, chi trả tiền mặt những tháng cuối năm, vốn cao hơn các thời điểm trong năm từ 1,5 - 2 lần”.

Theo đó, một mặt, Vietinbank chấn chỉnh lại hệ thống mạng lưới, tăng cường các tiện ích, dịch vụ đi kèm để thu hút tiền gửi từ thị trường dân cư và tổ chức kinh tế. Mặt khác, chuẩn bị một lượng lớn “tài sản lỏng” (giấy tờ có giá) để giao dịch qua OMO, kịp thời bổ sung nguồn vốn, tăng tính thanh khoản trong trường hợp cần thiết.

Song điều đáng lo nhất hiện nay là “van” tín dụng vẫn bế tắc và ở một chừng mực nào đó, có thể nói rằng, thị trường tiền tệ ổn định đã có sự “góp công” từ sự bất thường cung cầu vốn không gặp nhau.

Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phân tích, tín dụng ngân hàng chiếm 80% tổng đầu tư của doanh nghiệp nội địa, chiếm 30% đầu tư từ ngân sách (phần đối ứng và tạm ứng), ví dụ: một công trình nhà nước nhưng ngân sách chưa kịp về thì phải vay tín dụng từ ngân hàng; đồng thời, chiếm 30% đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (chẳng hạn, một dự án FDI trị giá 1 tỷ USD thì đưa vào cán cân thanh toán quốc tế khoảng 700 triệu USD còn 300 triệu USD phải vay nội địa từ các tổ chức tín dụng).

Thế nhưng, tín dụng 9 tháng qua chỉ tăng 2,35% so với cuối năm trước, đã cho thấy, đây là vấn đề bức xúc nhất trong ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay.

Để giải quyết bế tắc này, một trong những giải pháp quan trọng là xử lý nợ xấu, làm sạch bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp càng sớm, càng tốt. Ông cho biết thêm, trong kỳ họp Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ tháng trước, Chính phủ tiếp tục hối thúc Ngân hàng Nhà nước chỉnh sửa đề án thành lập công ty mua bán nợ ngay trong năm nay để giải quyết vấn đề này.

Như vậy, đến thời điểm này, thị trường tiền tệ đang ổn định nhưng một phần lớn trong đó là nhờ dựa trên sự bất thường của cung cầu vốn như phân tích trên. Cũng từ đây, đang diễn ra một thực tế khác không được mong đợi nhiều, đó là trong khi vốn tín dụng tăng èo uột thì trái phiếu Chính phủ lại hút một lượng vốn khá lớn từ nền kinh tế, chèn ép khu vực vốn tư nhân.

Trong khi đó, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, đến gần hết quý 3/2012, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của các cơ quan trung ương chỉ đạt 30%, khối các địa phương đạt 35,8% và thấp xa so với cùng kỳ năm trước.

Về lý thuyết, vốn trái phiếu Chính phủ chưa giải ngân hết sẽ được lưu giữ ở Kho bạc Nhà nước nhưng không lẽ, Nhà nước phát hành trái phiếu thu tiền về, trả lãi cho bên mua trái phiếu rồi lại để im trong két sắt?