"Vốn điều lệ 500 tỷ đồng, VAMC giống như tay không bắt giặc"

Theo VnExpress

Nợ xấu hiện lên tới 400.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là 500 tỷ đồng khiến nhiều người lo ngại về hiệu quả hoạt động.

"Vốn điều lệ 500 tỷ đồng, VAMC giống như tay không bắt giặc"
Liệu có xảy ra tình trạng buôn bán nợ xấu không sòng phẳng? Nguồn: Internet

Chính phủ vừa ban hành Nghị định thành lập VAMC của các tổ chức tín dụng Việt Nam nhằm mục đích xử lý nợ xấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Từ ngày 9/7, công ty này sẽ đi vào hoạt động. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước xúc tiến các công việc cần thiết như ban hành Quyết định thành lập VAMC, phê duyệt điều lệ của công ty,...

 Theo đó, VAMC có 2 phương án mua nợ xấu. Thứ nhất là công ty mua nợ xấu theo giá thị trường dựa trên cơ chế thỏa thuận với tổ chức tín dụng. Hoặc VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt có mệnh giá đúng bằng nợ gốc còn lại sau khi đã trích lập dự phòng để mua nợ của tổ chức tín dụng.

Để xử lý nợ xấu sau khi mua về, VAMC có thể bán lại nợ trên thị trường thứ cấp, thanh lý tài sản đảm bảo hoặc tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp bằng cách chuyển nợ thành vốn cổ phần, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay thêm để tái sản xuất kinh doanh trả được nợ trong tương lai…

PGS., TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính Quốc gia cho rằng, vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng không thể chỉ giải quyết bằng một giải pháp duy nhất. Tuy nhiên, việc nhanh chóng đưa VAMC đi vào hoạt động sẽ giúp ngân hàng giảm gánh nặng nợ xấu trên bảng cân đối kế toán và phần nào tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn vay.

Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, hai phương án xử lý nợ xấu của VAMC đều rất khó triển khai. Bởi theo ông, muốn bán được nợ trên thị trường cần có một quá trình định giá phức tạp, có một môi trường pháp lý thuận lợi hỗ trợ việc xử lý nợ. Mặc khác, khâu bán tài sản thế chấp cũng cần có hệ thống tòa án phân xử việc tranh chấp tài sản thế chấp….

Do đó, ông cho rằng trên thực tế VAMC sẽ khó thực hiện việc mua bán nợ theo phương án một vì không có nguồn vốn và cũng không thể xử lý được nợ. "Còn để tái cấu trúc doanh nghiệp thì công ty này cần có đội ngũ nhân sự mạnh tham gia toàn bộ quá trình này. Đầy là điều rất khó khả thi", ông nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, việc thành lập công ty xử lý nợ xấu VAMC vốn điều lệ có 500 tỷ đồng trong khi nợ xấu hiện lên tới 400.000 tỷ đồng. "Vậy liệu có xảy ra tình trạng buôn bán nợ xấu không sòng phẳng hay không?", ông Doanh đặt vấn đề.

Bản thân ông cho rằng, không có nước nào trên thế giới, trong tay gần như không có đồng nào mà có thể đứng ra giải quyết được nợ xấu. Bởi để xử lý vấn đề này phải có tiềm lực tài chính mạnh. "Tất cả đều phải là tiền tươi thóc thật mới xử lý hiệu quả", ông nói.

Ông cũng tỏ ra lo ngại trước thực trạng tín dụng đang bị tê liệt, và doanh nghiệp sẽ không làm gì được. Vì nợ xấu vẫn còn đó, tồn kho lại lớn. Do vậy, ông cho rằng tăng trưởng tín dụng bị suy kiệt và đây là một trong những dấu hiệu rất nghiêm trọng. Hiện nay lãi suất giảm xuống nhưng doanh số cho vay không tăng lên. "Việc giảm lãi suất không chưa đủ mà phải kết hợp với biện pháp giảm nợ xấu và một số giải pháp khác", ông nói.