Vốn FDI tạo lực đẩy tích cực cho bất động sản

Lý Tuấn

Mặc dù không có nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) trong 9 tháng đầu năm 2024, tuy nhiên, việc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tập trung vào sản xuất công nghệ cao là một tín hiệu đáng mừng giúp phân khúc văn phòng, BĐS công nghiệp, căn hộ dịch vụ được thúc đẩy tích cực.

Bức tranh FDI đầy lạc quan

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/9/2024 đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), riêng trong tháng 9/2024, tổng lượng vốn FDI đạt gần 4,26 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư cả nước trong 9 tháng.

Vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài. Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 9 tháng đều là các đối tác truyền thống, riêng quốc gia, vùng lãnh thổ dẫn đầu gồm Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản đã chiếm tới 73,2% số dự án đầu tư mới và 75,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Thông tin về vấn đề này, ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho biết, không có nhiều hoạt động đáng kể về FDI trong lĩnh vực BĐS, đặc biệt là trong quý III vừa qua. Phần lớn vốn FDI vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất.

“Điều đáng mừng là cấu trúc đầu tư vào sản xuất đã có sự chuyển dịch tích cực. Thay vì tập trung vào các ngành truyền thống như dệt may, gỗ, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, sản xuất linh kiện”, ông Troy thông tin.

Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam
Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam

Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng.

Ông Troy cho rằng, sự chuyển dịch này không chỉ mang lại nguồn vốn đầu tư lớn mà còn góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang dần chuyển mình từ một điểm đến đầu tư giá rẻ sang một trung tâm sản xuất công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn hơn.Bản chất của dòng vốn FDI đã thay đổi đáng kể, đặc biệt là trong quý III, với sự gia tăng đáng kể các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Hồng Kông. Điều này phần lớn là do nhu cầu đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định, một xu hướng toàn cầu hiện nay”, ông Troy chia sẻ.

Văn phòng, căn hộ dịch vụ và BĐS công nghiệp hưởng lợi

Theo khảo sát của Savills trong Báo cáo thị trường mới công bố về các giao dịch thuê văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh trong quý III/2024, phần lớn (73%) các giao dịch nhằm mục đích di dời đến các tòa nhà có chất lượng tốt hơn. Ngành Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm và Bất động sản (FIRE) dẫn đầu với 39% thị phần giao dịch, tiếp theo là ICT với 31% và sản xuất với 13%.

Một tỷ lệ lớn (75%) khách thuê là các công ty nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi các công ty trong nước chỉ chiếm 25%.

Đối với phân khúc căn hộ dịch vụ, tại khu vực phía Nam, khách thuê mục tiêu chủ yếu là chuyên gia và khách công tác tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu lưu trú của các chuyên gia, tuy nhiên, vốn FDI tại TP. Hồ Chí Minh lại giảm.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng năm 2024, tổng vốn FDI vào TP. Hồ Chí Minh giảm 11% theo năm xuống còn 1,8 tỷ USD, trong khi Đồng Nai tăng 41% theo năm lên 1,3 tỷ USD và Bình Dương tăng 7% theo năm lên 1,4 tỷ USD.

Ở phía Bắc, nguồn FDI được phân bổ tại TP. Hà Nội và đã lan rộng ra các tỉnh như Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Điều này đã làm gia tăng nhu cầu nhà ở ngày càng lớn của nhóm chuyên gia nước ngoài.

Theo ông Troy,  dù vẫn đang tiếp diễn, tốc độ tăng trưởng của FDI đã chậm lại rõ rệt so với các năm trước. Nguyên nhân một phần là do giảm sút các dự án đầu tư lớn vào năng lượng, đặc biệt là các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng và năng lượng có giá trị đầu tư cao (từ 2-4 tỷ USD) đã diễn ra trong những năm qua. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư nước ngoài trực tiếp vẫn tiếp tục, cho thấy một triển vọng tích cực.

“Những chính sách mới của Chính phủ đã mang đến một làn gió mới cho môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Sự tham gia tích cực của các nhà lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả việc tăng cường ngoại giao kinh tế, cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Troy đánh giá.