Vốn FDI vào Việt Nam bật tăng đạt hơn 10 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI (Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) cấp mới và tăng thêm là 10,159 tỷ USD, tăng 136,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Cụ thể, đến ngày 20/5 cả nước có 907 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,56 tỷ USD, tăng 155,9% so với cùng kỳ năm 2015 và 425 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,59 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI (Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) cấp mới và tăng thêm là 10,159 tỷ USD. Ảnh minh họa
Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 5 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 398 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 6,61 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng.
Lĩnh vực thông tin và truyền thông đứng thứ 2 với 67 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,3 tỷ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 542,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư.
Xét theo đối tác đầu tư, có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,42 tỷ USD, chiếm 33,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Với dự án lớn 1,248 tỷ USD, Luxembourg đứng vị trí thứ hai và chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 907,1 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư.
Về địa bàn đầu tư, Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 139 dự án cấp mới và 41 dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,96 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư. Còn Hải Phòng đứng thứ 2, Đồng Nai đứng thứ 3.