Phát triển bền vững từ nguồn vốn FDI
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm vẫn tiếp tục xu hướng tăng mạnh, với gần 7 tỷ USD. Có được kết quả này chính là nhờ những nỗ lực mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhưng cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết đó là, thu hút FDI hiệu quả đồng thời đảm bảo phát triển các dự án theo hướng bền vững.
Dấu ấn thu hút FDI Hàn Quốc
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến ngày 20/4/4026, cả nước đã thu hút được 697 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 5,082 tỷ USD, tăng 55,6% về số dự án và tăng 89,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, có 314 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 1,8 tỷ USD.
Như vậy, tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, đạt gần 6,887 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Cùng xu hướng tích cực đó, vốn FDI thực hiện 4 tháng đầu năm ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015.
Tạo nên sự bứt phá trong thu hút vốn FDI của Việt nam phải kể đến dấu ấn thu hút vốn FDI từ Hàn Quốc trong thời gian qua. Theo các chuyên gia kinh tế, Hàn Quốc đang thực sự trở thành một hiện tượng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, với hơn 48 tỷ USD vốn đăng ký lũy kế, vượt xa Nhật Bản tới 9 tỷ USD.
Mới đây, LG Display chính thức khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất và gia công các sản phẩm màn hình công nghệ cao (màn hình OLED) dành cho các thiết bị di động.Dự án được triển khai tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 1,5 tỷ USD.
Đây là dự án tỷ đô đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm nay và là dự án góp phần quan trọng đưa Hàn Quốc trở thành một hiện tượng trong thu hút FDI của Việt Nam. Tính đến cuối tháng 4/2016, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 48 tỷ USD, vượt xa Nhật Bản - nhà đầu tư nhiều năm liền giữ vị trí quán quân trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam - tới hơn 9 tỷ USD.
Cũng phải nhắc thêm rằng, còn một số lượng không nhỏ các khoản đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc, mà Samsung là ví dụ điển hình, được đầu tư thông qua các công ty con của nước ngoài. Nếu tính thêm các khoản vốn này, FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam chắc chắn vượt xa mốc 50 tỷ USD - chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng vốn FDI trên 288,5 tỷ USD đăng ký vào Việt Nam trong hơn 1/5 thế kỷ qua.
FDI Hàn Quốc vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng trong 2-3 năm qua là do liên tiếp các dự án hàng tỷ USD đổ vào Việt Nam. Ngoài LG với khoản đầu tư 3 tỷ USD, thì “khủng nhất” là Samsung với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ USD. Điều quan trọng, cùng với các dự án “lõi” của Samsung, LG, hàng trăm nhà đầu tư vệ tinh Hàn Quốc cũng tìm đến Việt Nam để đầu tư, kinh doanh, tạo thêm xung lực cho làn sóng FDI Hàn Quốc vào Việt Nam.
Yêu cầu phát triển bền vững các dự án FDI
Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nên vấn đề thu hút vốn FDI là rất quan trọng nhưng vấn đề phát triển bền vững, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về môi trường cũng là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Vậy cần những định hướng và giải pháp nào để dòng vốn FDI đáp ứng được các tiêu chí đó.
FDI là cần thiết, nhưng lại không phải là một sự bắt buộc đối với các quốc gia. Và vì thế, cùng với việc tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, điều quan trọng không kém là Chính phủ và chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền địa phương phải biết lựa chọn đối tác, dự án phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước.
Theo đánh giá từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà sẽ chọn lọc, khuyến khích các dự án có tác động tới phát triển bền vững của đất nước”. Chính vì thế, đối với Việt Nam hiện nay, cần đặt chuyện thu hút FDI bên cạnh vấn đề phát triển bền vững. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, sẽ dẫn tới những lo ngại, tẩy chay trong việc thu hút nguồn lực quan trọng này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo: “Phải xây dựng các kế hoạch giám sát môi trường, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp dệt may; thẩm định kỹ dự án đầu tư, nhất là đối với vấn đề công nghệ sử dụng của các dự án trong lĩnh vực này”,
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đón nhận một làn sóng đầu tư trong lĩnh vực dệt may, nhưng phần lớn nhà đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam lại đến từ các thị trường như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đây lại không phải là những thị trường có mặt bằng công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực dệt may, do vậy, việc giám sát thiết bị, công nghệ nhập khẩu trong các dự án sản xuất sản phẩm dệt may cần được đặt ra để hạn chế việc chuyển giao công nghệ lạc hậu, tốn năng lượng sang Việt Nam.
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá, ngành dệt may và da giày là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Vì thế trong thời gian tới cần phải lựa chọn những dự án phù hợp để tránh làn sóng FDI đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực nhuộm, dệt may, da giày gây thảm họa về môi trường.
Đồng thời cần có chính sách thu hút FDI trong các lĩnh vực này để tránh sự dịch chuyển các dự án dệt may, da giày công nghệ thấp từ các quốc gia khác sang Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi thuế. Vấn đề tiếp theo trong thu hút FDI là tiêu hao năng lượng.
Nếu thu hút FDI công nghệ thấp vào sẽ tạo áp lực lớn cho ngành điện trong việc đáp ứng nhu cầu điện sản xuất. Đầu tư phát triển nguồn điện rất tốn kém...