Vốn giá rẻ đã thực rẻ?

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Các nhà băng tung ra nhiều gói vốn lãi suất được cho là ưu đãi, song nếu xem xét kỹ, lãi suất thực của khoản vay vẫn trên dưới 12%/năm.

 Vốn giá rẻ đã thực rẻ?
Các nhà băng tung ra nhiều gói vốn lãi suất được cho là ưu đãi. Nguồn: internet
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ, với bối cảnh thị trường còn khó khăn hiện nay, lãi suất cho vay hiện vẫn còn là áp lực đối với doanh nghiệp (DN).

Khó kỳ vọng mục tiêu tín dụng

Ngay từ đầu năm, các nhà băng đã tung ra nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất cho vay đối với khách hàng DN cũng như cá nhân, nhưng lượng vốn giải ngân từ các gói lãi suất ưu đãi này vẫn tương đối chậm. Chẳng hạn tại VietCapital Bank, lãi suất dành cho DN xuất khẩu chỉ còn 6,5 - 8,5%/năm, nhưng đại diện ngân hàng này cho biết, mức tăng trưởng tín dụng hơn 9% trong 8 tháng đầu năm nay chủ yếu là nhờ cho vay khối khách hàng cá nhân.

Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, năm nay, ngành ngân hàng khó đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. Bởi gần 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt hơn 6%, 3 tháng còn lại của năm không thể thực hiện được gần một nửa chặng đường còn lại.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho năm nay ở mức 12% là rất khó. Bởi thực tế thị trường vẫn còn những khó khăn nhất định, sức khỏe DN chưa thể hồi phục. Để hạn chế nợ xấu, nhà băng phải rất thận trọng trong cho vay.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, chỉ số tồn kho giảm dần qua các tháng từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, tồn kho còn ở mức cao, tiếp tục gây lo ngại cho các DN. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, gần 70% DN chưa tìm được giải pháp phù hợp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm và khai thác thị trường hiệu quả; 27,6% DN gặp phải vấn đề tồn kho thanh toán. Trong đó, tỷ lệ DN có tồn kho công nợ từ khu vực DN nhiều hơn so với tỷ lệ DN có tồn kho công nợ từ khách hàng mua lẻ và từ khu vực công. Đối với kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh của DN những tháng còn lại trong năm 2013, có đến 66,7% DN giữ nguyên quy mô; 22% có thể mở rộng quy mô; 10,9% giảm quy mô và 0,3% có thể ngưng hoạt động.

Theo đánh giá của VCCI, kết quả này cho thấy dấu hiệu tích cực về niềm tin của DN trong sản xuất - kinh doanh đã được khôi phục. Tuy nhiên, chỉ với hơn 20% có thể mở rộng quy mô sản xuất cũng phần nào cho thấy, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế còn bao trùm khó khăn lên các DN.

Lãi suất cần rẻ hơn

Theo các chuyên gia, muốn kích cầu tín dụng, đòi hỏi lãi suất phải giảm mạnh. Trong khi đó, so với các nước trong khu vực, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại Việt Nam còn ở mức cao làm giảm sức cạnh tranh.

Trên thực tế, lãi suất cho vay đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm dần, nhưng mức lãi suất ưu đãi cũng chỉ được thời gian đầu nên khó thu hút khách hàng cần vốn. Chẳng hạn, OceanBank vừa đưa ra chương trình hỗ trợ vay vốn lãi suất 8,5%/năm cho hộ kinh doanh, DN nhỏ và siêu nhỏ trong mùa cao điểm dịp cuối năm, nhưng mức lãi suất ưu đãi trên chỉ được áp dụng trong 3 tháng đầu. Hay TienPhong Bank cho vay tới 90% giá trị hợp đồng bằng USD, VND, lãi suất 9%/năm đối với tiền đồng, 4,8%/năm đối với USD, nhưng mức lãi suất này chỉ được áp dụng trong 3 tháng đầu tiên.

Theo đánh giá của Kinh tế trưởng của một tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay khó thu hút được DN sử dụng vốn vay mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Theo vị chuyên gia này, trong lúc khó khăn, lãi suất thấp mới chính là động lực thôi thúc DN suy tính đến việc tái đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Vì thế, lãi suất cho vay cần thiết điều chỉnh về mức phổ biến 7 - 8%/năm, thay vì chỉ ưu tiên với một số đối tượng nhất định.

Thực tế thị trường hiện nay cũng cho thấy, không phải DN nào cũng có khả năng tiếp cận vốn lãi suất ưu đãi mở rộng sản xuất - kinh doanh. Trong khi đó, thống kê của Ngân hàng nhà nước về dư nợ của toàn ngành cho thấy, đến cuối tháng 8/2013, tỷ trọng các khoản vay có lãi suất đến 13%/năm chiếm khoảng 74,97%, tăng 41,6% so với cuối năm 2012; tỷ trọng các khoản vay có lãi suất từ 13 - 15%/năm chiếm khoảng 16,77%, giảm 29,3% so với cuối năm 2012. Các khoản vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 8,26%, giảm so với tỷ trọng 20,6% cuối năm 2012.