Vốn hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân
Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng hợp lý, qua đó góp phần phát triển nhanh, bền vững.
Đối tượng ưu tiên
Có thể khẳng định chưa bao giờ chúng ta quan tâm tới phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) như hiện nay. Nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN. KTTN đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN thời gian qua cũng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực KTTN tiếp cận nguồn vốn tín dụng hợp lý, qua đó góp phần phát triển nhanh, bền vững.
Cụ thể NHNN đã liên tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế này được vay vốn và tiếp cận các nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, như các thành phần kinh tế khác; Chủ động, linh hoạt sử dụng và điều hành các công cụ CSTT (thông qua công cụ nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn) tạo điều kiện cho các TCTD đảm bảo cân đối vốn và kịp thời hỗ trợ vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, người dân, trong đó có DN tư nhân, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể.
Các TCTD cũng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho DN, người dân tiếp cận nguồn vốn NH, như: Ưu tiên tập trung vốn hỗ trợ cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có khu vực KTTN; cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại không có tài sản bảo đảm từ 50 triệu đồng đến tối đa 3 tỷ đồng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, quy định hình thức cho vay lưu vụ để tăng khả năng tiếp cận vốn phát triển nông nghiệp.
Theo chủ trương của ngành Ngân hàng, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các chương trình kết nối NH - DN tại các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN trong quan hệ tín dụng NH. Đặc biệt gần đây NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tăng cường cho vay đối với các DNNVV, trong đó có xem xét mở rộng việc cho vay tín chấp.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng, cung ứng và hỗ trợ vốn tích cực cho khu vực KTTN để phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững và trở thành một động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế. Tỷ trọng dư nợ tín dụng của khu vực KTTN liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Nếu như năm 2012 là 76,11% thì đến năm 2015 là 78,4%, năm 2016 là 81,11% và ước đến tháng 9/2017 là 84,42%.
Cần sự thay đổi từ các doanh nghiệp tư nhân
Trả lời đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) bằng văn bản về các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khu vực KTTN, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trên thực tế, các DN, hộ kinh doanh có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận vốn dễ dàng với lãi suất hợp lý. Tuy nhiên, một số DN, nhất là DNNVV gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn NH chủ yếu là do năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý...
Mặc dù trong thời gian qua, NH đã quan tâm nhiều hơn đến khối doanh nghiệp này, nhưng để vay tín chấp thì các DN cũng cần phải đảm bảo được sự minh bạch trong hoạt động sổ sách kế toán. Chia sẻ về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bản thân NH cũng là DN và họ phải có cách thức để bảo toàn vốn vay của mình. Vì vậy, việc minh bạch hơn trong hoạt động, trong sổ sách của DN chính là giải pháp quan trọng để NH có thể cho vay tín chấp.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay để xem xét chỉnh sửa hoặc bổ sung chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực đặc thù cho phù hợp với tình hình mới. Đồng thời tăng cường đối thoại, tổ chức các chương trình kết nối NH - DN tại các địa phương nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn NH. NHNN chỉ đạo các TCTD nâng cao khả năng đánh giá, thẩm định phương án vay vốn của các khách hàng đảm bảo hiệu quả vốn vay, an toàn hệ thống NH. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp của ngành NH, bản thân DN cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để các TCTD yên tâm cấp tín dụng.
Cùng với sự nỗ lực của ngành Ngân hàng còn cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ khu vực KTTN phát triển theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, giải quyết tranh chấp, tố tụng, xét xử, thi hành án… Một trong những thủ tục hiện nay chính là cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho DN.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, DN vay vốn và phải có tài sản thế chấp. Thực tế, nhiều DN có đất nhưng lại chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bỏ lỡ cơ hội tiếp cận vốn. Chính vì vậy, việc đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là cách để nâng cao cơ hội tiếp cận vốn cho các DN tư nhân.