Vốn khuyến công: Động lực phát triển công nghiệp nông thôn
Nguồn vốn khuyến công tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến nhằm mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cung ứng cho thị trường.
Sau 4 năm đưa vào hoạt động cơ sở chế biến hạt mắc ca, chị Bùi Thị Ngân (tổ 8, thị trấn Kbang - Gia Lai) đã có được lượng khách hàng tương đối ổn định. Sản phẩm làm ra ngày càng được thị trường ưa chuộng, lượng hàng xuất bán tăng dần qua các năm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, sau khi tìm hiểu về chính sách khuyến công, chị đã làm hồ sơ tham gia và được duyệt.
Chị Ngân cho hay: Nhờ được nguồn vốn khuyến công tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng thông qua Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến hạt mắc ca”, chị đã đầu tư hệ thống máy nướng hạt mắc ca trị giá 300 triệu đồng.
“Hệ thống này rất hiện đại, sử dụng nhiệt độ sấy từ 40 độ C đến 200 độ C, khác với loại máy sấy thông thường trước đây tôi dùng. Khi sấy ở nhiệt độ cao sẽ giúp hạt mắc ca có độ thơm và giòn hơn. Đề án này đã giúp cơ sở nâng cấp quy trình chế biến bằng máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn”, chị Ngân chia sẻ.
Tương tự, cuối tháng 8/2021, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê” của Công ty TNHH cà phê Việt Hà Gia Lai với tổng kinh phí 460 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng và vốn đối ứng của đơn vị 260 triệu đồng.
Chị Trần Nguyễn Việt Hà - Phó Giám đốc Công ty TNHH cà phê Việt Hà Gia Lai cho biết: “Doanh nghiệp được hỗ trợ đầu tư hệ thống máy rang dùng khí nóng làm chín hạt cà phê theo công nghệ hiện đại, tiên tiến giúp kiểm soát chất lượng, lưu giữ hương cà phê trong toàn bộ quy trình chế biến. Cùng với đó, khi đầu tư dàn máy móc hiện đại đã giúp cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất, tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm”.
Trong năm 2021, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã cấp 600 triệu đồng cho Gia Lai để thực hiện 3 đề án. Cùng với đó, chương trình khuyến công địa phương đã dành 342 triệu đồng thực hiện 2 đề án. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã nghiệm thu 2 đề án khuyến công địa phương và 1 đề án khuyến công quốc gia. 2 đề án còn lại đang triển khai hướng dẫn các cơ sở quy trình ký hợp đồng, lắp đặt máy móc, thiết bị.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Gia Lai cho biết: “Hiện nay, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cấp cho địa phương mới thực hiện nghiệm thu 1 đề án. 2 đề án còn lại, cơ sở đang gặp khó khăn trong khâu lắp đặt và chuyển giao công nghệ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, Trung tâm đang tích cực đôn đốc các cơ sở cố gắng hoàn thiện để được nghiệm thu trong năm nay”.
Trên thực tế, nguồn kinh phí khuyến công đã phát huy vai trò “vốn mồi” khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong 5 năm (2016-2020), tổng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt hơn 36 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hơn 9,3 tỷ đồng, kinh phí địa phương 744 triệu đồng, kinh phí của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn 26 tỷ đồng. Các nguồn kinh phí này đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 3 đơn vị thụ hưởng và hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho 14 đề án với 20 đơn vị thụ hưởng.