Vốn ngân hàng với nông dân

Minh Sơn

(Tài chính) Việc tìm nguồn vốn cho nông dân gặp rất nhiều khó khăn do nhiều ngân hàng hiện nay chỉ hô hào khẩu hiệu, nhiều diễn văn của các CEO Ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ DN nhưng khi triển khai kế hoạch thực hiện rất ì ạch.

Khu vực nông nghiệp nông thôn đang khát cả đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Nguồn: internet
Khu vực nông nghiệp nông thôn đang khát cả đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Nguồn: internet
Theo chuyên kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh hiện khu vực nông nghiệp nông thôn đang “khát” cả vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh và vốn đầu tư cho tiêu dùng của hàng chục triệu hộ gia đình nông dân. Thu nhập của các hộ nông dân Việt Nam không chỉ thấp mà còn ngày càng cách xa so với thu nhập của khu vực thành thị phi nông nghiệp. Báo cáo của ngành nông nghiệp cho biết, tỷ lệ vốn đầu tư hằng năm cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng từ 5-6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nên phần vốn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu và lại càng giãn rộng nếu so sánh với phần vốn đầu tư dành cho khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ. 

Theo thống kê năm 2013, trong tổng số 89,7 triệu người dân Việt Nam thì vẫn có 60,7 triệu người sống ở khu vực nông thôn (chiếm hơn 2/3 tổng dân số). Trong đó, đất nông nghiệp là 262.805 km2 (chiếm tới 79,4%) bao gồm đất sản xuất nông nghiệp là 101.511 km2, đất lâm nghiệp là 153.731 km2, đất nuôi trồng thuỷ sản là 7.120 km2 và đất ở tại nông thôn là 5.496 km2 (chiếm 79,5% tổng diện tích đất ở của cả nước).

 Thực tế có rất nhiều lý do khác nhau để giải thích cho những khó khăn về tiếp cận tín dụng nói riêng, tuy nhiên những hạn chế nằm trong phương thức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay gắn với cái “vòng kim cô” là thu nhập thấp, nghèo nên thiếu vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, đầu tư vào máy móc công nghệ để tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đầu tư vào con người để nâng cao trình độ...cũng vì nghèo nên thiếu tài sản có giá trị để thế chấp cầm cố vay vốn ngân hàng, phải vay vốn với lãi suất thực tế cao hơn nên khó có thể thoát nghèo, khó có cơ hội nâng cao thu nhập và nông nghiệp Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, khó có thể tạo ra và thu hút các nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn.

Bên cạnh những chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp và cơ cấu lao động... thì biện pháp trước mắt có thể thực hiện ngay để giải quyết vấn đề vốn cho nông nghiệp nông thôn và nông dân chính là tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khu vực này.

Người nông dân ngày nào cũng một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhưng cái nghèo, cái khó luôn đeo bám, Sau gần 30 năm đổi mới thì đời sống nông dân cũng được cải thiện đáng kể, tuy nhiên chỉ trông chờ vào các chính sách tài chính của nhà nước thì nông dân vẫn nghèo. “Gánh cực mà đổ lên non/ Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo” câu ca đã thể hiện nỗi cay đắng và khổ ải của những kiếp người phải vật lộn với sự sống, khó khăn đeo bám đằng đẵng.

Thậm chí, do tính đặc thù của công việc, mà người nông dân phải “Cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Bài ca dao vẻn vẹn chỉ có bốn câu nhưng đã miêu tả sinh động nỗi cực nhọc, vất vả của người nông dân quanh năm một nắng hai sương làm ra hạt gạo nuôi đời. Đồng thời nó cũng là lời khuyên nhủ chân tình về lòng biết ơn, thái độ trân trọng người lao động.

Do đối tượng này chịu nhiều rủi ro trong giao dịch, từ lúc làm ra hạt giống để gieo sạ nếu thuận buồm xuôi gió thì còn đỡ, không may gặp lúc thiên tai địch họa, mưa sa bão táp, dịch bệnh, có lúc gieo hạt giống thì phải năm cơm bảy cháo hạt giống mới ngoi lên được, đến lúc chuẩn bị gặt hái thì lại bị bão dập gió vùi. Hạt giống lên rồi, gầy đàn, thả giống xong rồi  thì phải vay mượn tiền ngân hàng mà trả tiền cày xới, mua phân bón, thuốc trừ sâu rầy…. 

Đó là chưa kể cái điệp khúc muôn đời của người nông dân trồng lúa “Trúng mùa mất giá”. Thương lái lúc nào cũng tìm cách ép giá để lời nhiều hơn nữa, còn nông dân chê giá rẻ không bán lúa thì lấy tiền đâu mà đáo hạn ngân hàng? Việc vay mượn này người nông dân có một câu quen miệng là: “làm nghề nông ăn trước trả sau” chứ có trốn nợ được đâu mà lo mất.