Vốn ngoại muốn có "thực quyền" trong ngân hàng nội
(Tài chính) Trong khi các ngân hàng "nội" vẫn miệt mài tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài mà chưa có kết quả, thì các ngân hàng nước ngoài lại đang săn lùng cơ hội sở hữu lượng cổ phần lớn hơn mức 30% của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, ở các ngân hàng có nhu cầu bán vốn tại Việt Nam.
Ngày 15/7, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (50%) của BIDV tại Ngân hàng liên doanh VID Public (VPB) cho Ngân hàng Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia. Như vậy, sau khi mua lại phần vốn của BIDV tại VPB thì PBB sẽ là ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Tiềm năng phải gắn với quyền
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) BIDV, BIDV đã chuyển toàn bộ phần vốn của BIDV tại VID Public sang cho PBB với giá chuyển nhượng cao hơn mệnh giá.
Ngay sau khi ký kết chính thức hợp đồng chuyển nhượng, hai bên đã thống nhất ký ngay văn bản báo cáo ngân hàng Nhà nước (NHNN) phương án chuyển nhượng để xin phê duyệt chính thức phương án chuyển nhượng. Ngoài ra, PBB sẽ nộp hồ sơ xin phép NHNN cấp phép thành lập ngân hàng mới sở hữu 100% vốn bởi PBB.
Như vậy, nếu được chấp thuận, PBB sẽ là trường hợp thứ 2 được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam thông qua con đường mua cổ phần. Trước đó, trường hợp GPBank bán 100% cổ phần cho UOB để thành lập ngân hàng ngoại 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam cũng đang được xúc tiến. Đến nay, các bước khảo sát, đánh giá cơ bản đã hoàn tất, tuy nhiên, mức giá chuyển nhượng vẫn chưa được công bố.
Với sự kiện của PBB, tiềm năng của kinh doanh ngân hàng vẫn đang rất lớn và các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vẫn đang tích cực tìm kiếm cho mình cơ hội. Tuy nhiên, việc tìm kiếm này diễn ra rất thận trọng, vì họ cần phải thấy được địa chỉ đầu tư mới có thể cho họ "thực quyền" để thay đổi hoạt động ngân hàng.
Ví như Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH), sau khi bán lại 20% cổ phần MeKong Bank cho MaritimeBank, sẽ không rút vốn ra khỏi Việt Nam mà tìm kiếm cơ hội đầu tư khác. Tuy nhiên, FFH chắc chắn sẽ thận trọng hơn trong quyết định đầu tư của mình, bởi lần đầu tư này, họ muốn mình có nhiều quyền hơn trong mỗi quyết định thay đổi hoạt động ngân hàng.
Thực tế, không chỉ những trường hợp đã thoái vốn mới mong muốn có được "thực quyền" thông qua việc mua được nhiều cổ phần hơn, mà cả đối tác chiến lược đang nắm giữ cổ phần tại ngân hàng nội cũng có mong muốn đó. Ví như trường hợp MayBank. Thời gian qua, không ít lần ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBank, nói đến việc mong muốn được bán lượng cổ phần lớn hơn cho đối tác nước ngoài, khoảng 49%. Với thông điệp này, ông Tiền đã phần nào nói lên được mong muốn của đối tác ngoại là MayBank.
Cũng giống như những cổ đông chiến lược nước ngoài khác đang đầu tư vào ngân hàng nội, MayBank sở hữu 20% lượng cổ phần của ABBank. Tuy nhiên, mức cổ phần này chưa đủ để MayBank có thể triển khai được những thế mạnh của mình tại ABBank.
Loay hoay với tái cấu trúc
Mới đây, tại buổi nói chuyện với NĐT của Công ty chứng khoán Bảo Việt, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có nói Nghị định số 01/2014/NĐ-CP là một bước đột phá và rất khó có một quyết định tương tự nào như thế. Tất nhiên, câu chuyện của ông Thành không phải nói về lĩnh vực ngân hàng, mà nói về kinh tế vĩ mô và những quyết sách của Chính phủ. Nhưng ý của ông Thành là nói lên nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng thêm quyền của NĐT nước ngoài tại ngân hàng nội.
Vậy nhưng nỗ lực lại không được nhiều NĐT nước ngoài ghi nhận, thậm chí cũng không tạo nhiều cú hích cho hoạt động tái cơ cấu ngân hàng thông qua việc bán vốn cho đối tác nước ngoài. Bằng chứng là rất nhiều ngân hàng muốn bán cổ phần ở mức tối đa cho đối tác nước ngoài như Sacombank, DongABank, HDBank... nhưng đến nay vẫn chưa chốt được đối tác.
Nguyên nhân vì sao thì ai cũng hiểu. Có một vài ví dụ cho thấy vai trò thực của đối tác chiến lược tại ngân hàng nội. Ví như trường hợp HSBC không cử đại diện vào thành viên HĐQT của Techcombank cũng cho thấy bước đầu của việc thoái vốn. Với 19,4% cổ phần sở hữu tại Techcombank, HSBC thật sự không có thực quyền trong mỗi quyết định của mình tại ngân hàng này, nếu có tăng lên đến 30% lượng cổ phần sở hữu, mọi chuyện có lẽ cũng sẽ không có nhiều tiến triển.
Hay như ABBank cũng vậy, mặc dù có đến 2 cổ đông chiến lược nước ngoài là MayBank và IFC, nhưng 2 năm trở lại đây, ngân hàng này dường như bị chững lại. Hoạt động kinh doanh, mạng lưới, vốn điều lệ, sản phẩm tín dụng, thương hiệu... gần như không có bước tiến nào, thậm chí còn để nhiều ngân hàng vượt mặt. Nguyên nhân thì ai cũng hiểu, vì có nhiều cổ đông lớn với tiếng nói gần như có trọng lượng như nhau nên mỗi quyết sách phải được bàn thảo rất lâu mới có thể đi đến sự thống nhất.
Đó chính là sự bất cập và ông Tiền đã nhận thấy điều đó. Giải pháp của ông Tiền trong quá trình làm "mới mình", đó là bán lượng cổ phần lớn cho đối tác chiến lược MayBank. Chỉ khi có lượng cổ phần đủ để có thực quyền, MayBank mới giúp cho ABBank vượt qua được chính mình để lớn mạnh hơn.
Hiện ABBank có 4 cổ đông lớn là Geleximco, EVN, MayBank và IFC đang nắm giữ tổng cộng trên 59% vốn điều lệ ngân hàng. Riêng MayBank (20% cổ phần) và IFC (10% cổ phần) đã chiếm hết lượng room NĐT chiến lược nước ngoài của ABBank (theo Nghị định 01).
Nếu được Thủ tướng chấp thuận, có thể ABBank sẽ bán tối đa 49% cổ phần cho đối tác nước ngoài, có nghĩa sẽ bán thêm 19% cổ phần nữa cho MayBank. Nếu có thêm lượng cổ phần này, MayBank mới có được thực quyền để giúp ngân hàng này thoát khỏi vòng luẩn quẩn của việc làm mới mình.