Vốn ngoại "rộng cửa" vào ngân hàng Việt
Thị trường sẽ chứng kiến hàng loạt thương vụ bán cổ phần ngân hàng cho đối tác ngoại trong năm 2022. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại cho biết, việc bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đang làm khó các nhà băng trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại trên 30% cho các ngân hàng có "sức khoẻ" tốt.
Nhiều ngân hàng đã và đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược như: VietCapitalBank, NamABank, VIB, ACB, Techcombank, VPbank, HDBank... Một số buộc phải khóa "room" ngoại để "giữ chỗ" trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Đơn cử, VPBank, sau 8 năm chia tay với nhà đầu tư chiến lược OCBC, cũng đang tìm đối tác mới và khóa "room" ở mức 15% trong năm nay. Tương tự, HDBank khóa "room" xuống 21,5%, VietCapitalBank khóa ở 5%...
Sẵn sàng bán vốn cho nhà đầu tư ngoại
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, ngành tài chính ở Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động M&A trong thời gian tới. Lý do, số lượng ngân hàng tham gia thị trường vẫn lớn, trong khi đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng để lĩnh vực này ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, năm 2022 tới đây sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung phục hồi nhanh nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 - 2030. Các ngân hàng sẽ thực hiện kế hoạch phát triển của mình, trong đó tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để nâng cao tiềm lực, tăng sức cạnh tranh.
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2022 sẽ không còn tấp nập các thương vụ mua bán công ty tài chính của các ngân hàng mẹ như năm 2021, song các thương vụ thoái vốn ở công ty con, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ bùng nổ.
Điển hình như: VietinBank đang trong quá trình thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu tại 3 công ty con, bao gồm VietinBank Leasing (đang trình Ngân hàng Nhà nước cùng các cấp có thẩm quyền phê duyệt), Chứng khoán VietinBankSc, Công ty Quản lý quỹ VietinBank Capital.
Tương tự, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Để giải quyết cơn khát vốn, Vietcombank cũng lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% vốn cho khối ngoại mà đối tượng hướng đến là đối tác chiến lược Mizuho Nhật Bản. Nếu năm 2022 thương vụ này thành công, Vietcombank sẽ thu xấp xỉ 30.000 tỷ đồng.
Loạt ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài như: LienVietPostBank tiết lộ ngân hàng chuẩn bị bán 4,99% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài; SHB đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược; OCB cũng đang chuẩn bị bán tiếp 10% vốn cho đối tác nước ngoài. Thậm chí có những nhà băng room ngoại vẫn còn nguyên 30% như Nam A Bank.
Giới hạn tỷ lệ vốn ngoại đang làm khó các nhà băng
Theo quy định hiện nay, tỷ lệ sở hữu của cá nhân nước ngoài tại ngân hàng là 5% vốn điều lệ, với tổ chức là 15%, còn với nhà đầu tư chiến lược là 20%. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ nhà băng."Room" ngoại tối đa tại các ngân hàng thương mại là 30%.
Do đó, để thực hiện chiến lược kinh doanh, thời gian qua nhiều nhà băng khóa room dưới mức này nhằm tạo dư địa để huy động vốn ngoại. Nếu không khóa room, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng, khiến dư địa room cạn dần, qua đó ảnh hưởng đến kế hoạch huy động thêm vốn ngoại.
Hiện nay, việc giới hạn tỷ lệ vốn ngoại đang làm khó các nhà băng trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược. Nhiều ngân hàng thương mại cho biết, việc lựa chọn đối tác chiến lược đã khó, đến khi tới được vòng đàm phán lại "vướng" các điều kiện giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, hiện nay chỉ một nửa ngân hàng có cổ đông chiến lược là số lượng "khiêm tốn", cần có cơ chế để thúc đẩy kênh gọi vốn này, đặc biệt trong bối cảnh các nhà băng đẩy mạnh chuyển đổi số.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý, việc xem xét nới room ngoại là cần thiết nhưng cần đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư và vai trò quản lý nhà nước.
"Việc quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài cần được phân loại theo nhóm, với nhóm các ngân hàng thương mại có thể nới room tùy theo đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30% như quy định hiện nay”, ông Hùng kiến nghị.
Theo số liệu công bố tại Diễn đàn M&A với chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ” được tổ chức ngày 9/12, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch - 2019. Hơn 500 thương vụ được công bố trong 10 tháng năm 2021; 58% tổng giá trị các giao dịch M&A đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính. Tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên. Cụ thể, đã có 1,6 tỷ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước trong 10 tháng năm 2021. Trong đó, 1,13 tỷ USD, với 11 thương vụ được thực hiện bởi 5 công ty hàng đầu của Việt Nam, như Vingroup, Masan, NovaLand, Hoà Phát, Vinamilk. Sự thu hút M&A ngày càng tăng tại Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét không chỉ qua sự tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch, mà còn qua giá trị bình quân trong mỗi giao dịch, khi ngày càng nhiều thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD được ghi nhận. |