Nới room tín dụng, dòng vốn sẽ chảy vào đâu?
Việc nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nhưng cũng rất có lý khi nhiều người nghi ngờ rằng, thị trường không hấp thụ được hết do doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, chưa thể thể đáp ứng điều kiện cho vay của ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tín chấp.
Trao đổi với VnBusiness chuyên gia cho rằng, việc nới room tín dụng là cần thiết khi mà nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đang tăng mạnh cuối năm, trong khi đó chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tại nhiều nhà băng đã chạm trần sau 9 tháng. Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại, việc nới room tín dụng sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng.
Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn
Thực tế, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế sẽ ở mức cao trong tháng cuối năm 2021 nhờ việc mở cửa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại cùng xu hướng sống chung cùng Covid-19. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn, khoảng 10 ngân hàng vừa được nới thêm tăng trưởng tín dụng, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 13% cho cả năm. Nhưng vấn đề đặt ra là dòng vốn sẽ chảy vào đâu?
Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn là hai nhóm khách hàng bị ảnh hưởng mạnh khi dịch bệnh quay trở lại. Do đó, các chuyên gia cho rằng, vấn đề nguồn vốn để tiếp tục phát triển, vượt khó và tái đầu tư từ các doanh nghiệp này là rất lớn.
Theo các chuyên gia, nếu các doanh nghiệp lớn dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng hơn nhờ có tài sản đảm bảo, kế hoạch kinh doanh tốt, thì với các doanh nghiệp nhỏ vô cùng khó khăn. Trao đổi với VnBusiness, ông Trần Mạnh, Tổng giám đốc một công ty chuyên về đồ gỗ ở Bắc Ninh cho biết, tuy là doanh nghiệp sản xuất nhưng đơn vị ông chưa vay được đồng vốn nào với lãi suất thấp mà các ngân hàng đưa ra.
"Với gói vay lãi suất 7% một năm, khi xét duyệt, ngân hàng có nhiều điều kiện như yêu cầu chứng minh dòng tiền, phương án kinh doanh khả quan thời gian tới... Những điều này rất khó đáp ứng khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp", ông nói.
Nhận định về vấn đề này, tại toạ đàm tài chính: Chuyên gia bàn cách tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ, tổ chức chiều ngày 1/12, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng: “Đó là những điều kiện bất khả thi đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu tài sản đảm bảo, đang gặp rất nhiều khó khăn và rất khó chứng minh được phương án kinh doanh khả thi khi mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp”.
Vị chuyên gia này dẫn chứng: kết quả khảo sát tình hình sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp siêu nhỏ, do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thực hiện năm 2021, cho thấy, có tới 39% doanh nghiệp chỉ đạt doanh thu dưới 3 tỷ đồng; 54% doanh nghiệp có doanh thu từ 3 - 200 tỷ đồng. Đáng lưu ý, chỉ 16% trong số này có thể duy trì sản xuất, còn đa số phải dừng kinh doanh hoặc giải thể. Dòng tiền để các doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động trên 6 tháng chỉ chiếm 17%.
Do đó, ông Bình cho rằng, thay vì đòi hỏi tài sản thế chấp, các ngân hàng nên xét duyệt cho vay dựa trên dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần cải tổ các quỹ bảo lãnh tín dụng. Chỉ có như vậy thì việc nới room tín dụng của NHNN mới phát huy được hiệu quả hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi.
Lãi suất sẽ tăng?
Thực tế, các tổ chức tín dụng vừa được NHNN cấp thêm tăng trưởng tín dụng đều là những ngân hàng có danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro, đi kèm với đó là cam kết hỗ trợ lãi suất cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cấp vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên của Chính phủ.
MSB là một trong những ngân hàng vừa nhận “tấm vé vớt” từ NHNN. Trao đổi với VnBusiness, đại diện ngân hàng này cho biết: Từ nay đến cuối năm, MSB sẽ đẩy mạnh vốn vay vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trong đó, dành nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại diện ngân hàng cho biết, trong quá trình cho vay vốn, nhóm doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều vấn đề ở tài sản thế chấp, hàng tồn kho nhiều. Lúc này doanh nghiệp cần vốn để mua nguyên vật liệu để duy trì sản xuất. Để hỗ trợ các doanh nghiệp có doanh thu từ 3 - 30 tỷ đồng, MSB đã có gói tín dụng tín chấp hạn mức lên đến 500 triệu đồng doanh nghiệp không cần tài sản đảm bảo nhằm bổ sung vốn lưu động, vay thấu chi, mua nguyên vật liệu để phục vụ mùa kinh doanh cuối năm.
“Trong giai đoạn số hoá như hiện nay, doanh nghiệp cần phải chuyển dịch số hoá tất cả quy trình, phát triển thêm các hướng đi mới để thích nghi với bối cảnh hiện nay. Quan trọng là doanh nghiệp chứng minh được tiềm năng phát triển, và nắm bắt cơ hội. Với những doanh nghiệp như vậy, ngân hàng sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, cung cấp vốn để doanh nghiệp phát triển”, đại diện MSB cho hay.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại, việc nới room tín dụng sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng. Bởi, thông thường, lãi suất phụ thuộc nhiều vào cung- cầu tín dụng, khi được nới room tín dụng, các ngân hàng sẽ phải tăng cường huy động vốn, khiến mặt bằng lãi suất huy động chịu sức ép tăng. Trong khi nhu cầu vốn tăng càng khiến lãi vay khó giảm.
Thực tế, trong ngày đầu của tháng 12, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động như tại BIDV điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Do đó, khung lãi suất hiện đang áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 đến 60 tháng hiện nằm trong khoảng từ 3 - 4,9%/năm…
Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng hiện cầu vốn vẫn còn yếu khi mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi chủ trương của Chính phủ là yêu cầu các ngân hàng tiết giảm tối đa chi phí để giảm thêm lãi vay. Vì thế, các ngân hàng sẽ cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất.