Vốn ngoại vào Việt Nam nhìn từ chiếc bánh hamburger

Theo vnexpress.net

(Tài chính) 24 giờ đầu tiên khai trương cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh, McDonald's đã tiếp 22.500 khách hàng, bằng 1/10 dân số một quận trên địa bàn. Điều này phản ánh sự hấp dẫn của thị trường và là động lực cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn.

Vốn ngoại vào Việt Nam nhìn từ chiếc bánh hamburger
Cửa hàng McDonald's tại TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn, Việt Nam nổi lên là một điểm sáng của khu vực Đông Nam Á với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút được trong năm 2013 lên tới hơn 22,3 tỷ USD, tăng 35% so với năm trước. Một loạt các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Microsoft... cũng lựa chọn Việt Nam là cứ điểm để sản xuất sản phẩm quan trọng.

Nhằm dễ dàng hình dung về sức hấp dẫn của thị trường, trong một cuộc họp báo mới đây tại Hà Nội, ông Andy Ho - Trưởng bộ phận đầu tư Công ty quản lý quỹ VinaCapital đã so sánh thú vị về môi trường kinh doanh Việt Nam với việc McDonald's bán những chiếc bánh hamburger.

"Xét về doanh số bán hàng trong tháng đầu tiên của McDonald’s trên toàn cầu, cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh đứng thứ hai, chỉ sau Bắc Kinh (Trung Quốc) và đứng trên Matxcơva (Nga)", vị này cho biết. Trong một cuộc họp báo hồi năm 2013, ông Henry Nguyễn - Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam thông tin chỉ trong 24 giờ đầu tiên khai trương, cửa hàng đã tiếp 22.500 khách hàng và trong một tháng con số này đã lên tới 400.000 người.

Theo số liệu cuộc điều tra dân số năm 2009, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 1,68 triệu dân sống ở thành thị trong độ tuổi từ 10 đến 24. Như vậy, chỉ trong tháng đầu tiên, cứ khoảng 4 người thuộc đối tượng này thì có một người ăn đồ ăn của McDonald's. Hay tính riêng tại quận 1, nơi thương hiệu thức ăn nhanh đặt nhà hàng đầu tiên, thì trong ngày đầu tiên, khoảng 10 người dân sẽ có một người tìm đến nhà hàng.

"Doanh số bán hàng của McDonald's minh chứng cho sự phát triển của Việt Nam, nhất là trong mảng mua sắm, tiêu dùng", ông Andy Ho nhấn mạnh.

Và với bất kỳ nhà đầu tư nào, khi xem xét rót vốn vào một quốc gia họ luôn phải cân nhắc thị trường đó có đủ cơ hội hay không. Đã có 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Giám đốc điều hành Tập đoàn ThyssenKrupp, ông Heinrich Hiesinger nhận định Việt Nam là một thị trường tiềm năng với các nhà đầu tư châu Âu do dân số trẻ, sức tiêu dùng lớn, tăng trưởng kinh tế khả quan.

"Góc độ so sánh của châu Âu sẽ khác với châu Á. Ở khu vực chúng tôi, tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 1-2% mỗi năm, do đó nhìn ở đất nước các bạn mức 6% đã là tích cực. Quan trọng là tăng trưởng kinh tế phải bền vững", vị này nói. Bởi vậy, dù đôi lúc rơi vào hoàn cảnh không "xuôi chèo mát mái", vị Giám đốc ThyssenKrupp vẫn khẳng định công ty sẽ cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam. Hiện tập đoàn này có 3 nhà máy ở Việt Nam, doanh thu hàng năm khoảng 150 triệu USD.

Nhật Bản - quốc gia đang có lượng doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam lớn nhất cũng có cái nhìn tích cực hơn về môi trường đầu tư, bằng chứng là qua cuộc khảo sát mới đây của Teikoku Databank, các công ty Nhật Bản đã đánh giá đầu tư ở Việt Nam hấp dẫn hơn Trung Quốc, xuất phát từ lợi thế chi phí thấp, lực lượng lao động trẻ và có năng lực. Cũng theo khảo sát này, Việt Nam xếp thứ 4 trong danh sách các thị trường bán hàng được doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng nhất, sau Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan.

"Việt Nam là một quốc gia tiềm năng, đang không ngừng phát triển thông qua ứng dụng công nghệ cao và đội ngũ lao động trẻ", ông Tamotsu Saito - Chủ tịch Tập đoàn IHI (Nhật Bản) bày tỏ. Sau gần 15 năm thực hiện các dự án tại Việt Nam, IHI cũng quyết định đầu tư 50 triệu USD để xây nhà máy sản xuất kết cấu hạ tầng tại Hải Phòng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2015.

"Chúng tôi tin tưởng vào đội ngũ lao động Việt Nam. Trong một cuộc thi lấy chứng chỉ gần đây, thậm chí đã có nhân viên Nhật Bản trượt, còn nhân viên Việt Nam lại đỗ. Điều này cho thấy khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ của đội ngũ kỹ sư Việt", ông Saito chia sẻ.

Lợi thế về dân số trẻ cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam gây chú ý với các nhà bán lẻ nước ngoài, khi những ông lớn như Wall Mart, Central Group, Berli Jucker, 7-Eleven... đã nhòm ngó để xâm nhập thị trường nội địa. Hay mới đây, một loạt các đơn hàng từ Trung Quốc, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, da giày đã dịch chuyển sang Việt Nam do chi phí nhân công rẻ, môi trường vĩ mô ổn định hơn.

Từ đầu năm cả nước đã có 1.152 dự án nhận giấy chứng nhận đầu tư, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2013. Một năm trước đó, tuy vốn đầu tư tăng mạnh song số dự án nước ngoài được cấp phép chỉ tăng 12%.

"Tình hình đầu tư nước ngoài thời gian qua đã thu được kết quả tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc giải ngân tiếp tục tăng so với cùng kỳ phản ánh nhà đầu tư đã có những nhận định tích cực về triển vọng đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới", Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá.

Trao đổi với hàng chục nhà đầu tư ngoại tuần trước, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng thông tin môi trường đầu tư Việt Nam đang có sự cải thiện tích cực. Đến nay đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với hơn 17.000 dự án, tổng vốn hơn 242 tỷ USD, trong đó có hơn 100 tập đoàn thuộc danh sách 500 tập đoàn lớn đầu thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn.

"Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực bước đầu trong việc thu hút vốn FDI và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam", Phó thủ tướng phát biểu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tích cực hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, do chỉ số năng lực cạnh tranh vẫn nằm ở nửa sau của bảng xếp hạng, trong đó đặc biệt chú ý đến việc giảm thiểu các thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp, hải quan, thuế, minh bạch trong quản lý vốn đầu tư... Không chỉ vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực để nhận chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ cũng là mục tiêu phải hướng đến khi thị trường ngày càng cạnh tranh.

Báo cáo mới đây của HSBC nhận định mức độ kết nối thấp với các doanh nghiệp nước ngoài và tình trạng thiếu lao động tay nghề cao kéo dài đang làm hạn chế các lợi ích của doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tiếp thu công nghệ. Lấy ví dụ, điện thoại và linh kiện hiện đang là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm 15,6% tổng xuất khẩu tính từ đầu năm đến nay, nhưng bên cạnh lợi thế về nhân công rẻ, rất ít công ty Việt Nam lọt được vào danh sách cung cấp linh kiện cho lĩnh vực này.

"Chúng tôi kỳ vọng chính sách của Chính phủ sẽ tập trung vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng hạ tầng thực sự cần thiết và tăng cường đào tạo tay nghề kỹ thuật cao. Phiên họp Quốc hội đang diễn ra là một dịp quan trọng để theo dõi cam kết của các nhà làm chính sách đối với cải cách", báo cáo của ngân hàng ngoại này khuyến nghị.

Trước đó, trong chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, Thủ tướng đã nhấn mạnh sẽ huy động mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển nguồn nhân lực, mục tiêu đến năm 2015 và 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam lần lượt đạt trên 55% và 70%.