Vốn tối thiểu để thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là bao nhiêu?

PV.

Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài, loại hình, thời hạn hoạt động của các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài… Bên cạnh đó, một nội dung đáng chú ý khác là quy định về vốn đầu tư cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghị định số 86/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 06/6/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2018. 

Nghị định nêu rõ những quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục bao gồm: Liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức quốc tế và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, không áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, Nghị định quy định về cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài (Loại hình, thời hạn hoạt động, trình tự cho phép thành lập, quyền và nghĩa vụ của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài); Thẩm quyền, thủ tục thẩm định điều kiện về giáo dục để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư…

Bên cạnh đó, một nội dung đáng chú ý khác là quy định về vốn đầu tư cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài… Cụ thể: Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.

Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng.

Dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phải có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.

Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư dự án thực hiện việc chứng minh tài chính theo Luật Đầu tư. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.

Còn dự án đầu tư thành lập phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.

Nghị định này thay thế Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định 124/2014/NĐ-CP ngày 29/12/2014 của Chính phủ sửa đổi khoản 6 Điều 31 Nghị định  số 73/2012/NĐ-CP.