Vụ sáp nhập DaiABank và HDBank: “Người” của HDBank sẽ tham gia công tác quản trị tại DaiABank

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) DaiABank vào ngày 15/6 vừa qua đã chính thức thông qua phương án sáp nhập với HDBank, với tỉ lệ cổ phiếu chuyển đổi 1:1. Tuy nhiên, lộ trình và phương án sáp nhập cụ thể vẫn chưa được công bố tại đại hội.

 Vụ sáp nhập DaiABank và HDBank: “Người” của HDBank sẽ tham gia công tác quản trị tại DaiABank
Lãnh đạo của HDBank sẽ tham gia sâu vào điều hành của DaiÁBank. Nguồn: Internet
Tại ĐHCĐ lần 2 này, theo đề án, DaiABank sẽ tái cơ cấu theo 2 phương án là tự tái cơ cấu hoặc liên kết với tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Theo phương án hợp tác với TCTD khác, DaiABank và HDBank đã bước đầu ký thỏa thuận ghi nhớ nguyên tắc hợp tác giữa hai bên. Nội dung thỏa thuận gồm tỉ lệ hoán đổi 1:1, sử dụng toàn bộ lao động của DaiABank.

Với phương án tự tái cơ cấu, DaiABank sẽ tăng quy mô vốn điều lệ đạt mức 5.000 tỉ đồng vào năm 2015 thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài, dự kiến 15%. Giải pháp xử lý các vấn đề tồn tại khi tự tái cấu trúc bao gồm: Vượt giới hạn sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông Tổng công ty Tín Nghĩa, dự kiến tăng vốn lên 4.000 tỉ đồng trong năm 2014. Sau khi tăng vốn, tỉ lệ các cổ đông sẽ đảm bảo giới hạn sở hữu. Vấn đề trích lập dự phòng rủi ro sẽ thực hiện và khắc phục theo kết luận thanh tra năm 2012.

Tại đại hội, ông Quách Văn Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) DaiABank, đại diện của Tín Nghĩa cho biết, nếu Tín Nghĩa chưa rút vốn thì chưa đồng ý hợp nhất. Tuy nhiên, sau cuộc thảo luận khá căng thẳng giữa DaiABank và HDBank, đại hội cũng thông qua các tờ trình.

Theo đó, đại hội thông qua các nội dung trong thỏa thuận ghi nhớ nguyên tắc giữa DaiABank và HDBank ký ngày 9/10/2012 về chủ trương tái cấu trúc DaiABank theo công văn chấp thuận chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Ủy quyền cho HĐQT của DaiABank triển khai thực hiện các thủ tục theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của DaiABank. Đại hội cũng thông qua tất cả các tờ trình khác về việc bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, phân phối lợi nhuận, kế hoạch kinh doanh năm 2013.

Về phần mình, những đại diện của HDBank cũng bắt đầu tham gia vào việc quản trị DaiABank sau khi được bổ nhiệm nhiều vị trí tại HĐQT và ban kiểm soát. Cụ thể, ĐHCĐ đã thống nhất bầu bổ sung 4 người để nâng số lượng thành viên HĐQT lên 7 người. Ban kiểm soát cũng bổ sung thêm 2 người.  

3 trong 6 người mới này đến từ HDBank, đó là ông Nguyễn Minh Đức (Phó Giám đốc), bà Nguyễn Thị Vân (Phó Giám đốc tài chính), bà Trần Thị Thu Thảo (Phó kiểm soát nội bộ HDBank). Không chỉ vậy, trong số những thành viên mới của Ban Quản trị DaiABank cũng có sự đại diện đến từ Sovico Holding - nhóm cổ đông có liên quan đến tổ chức này đang nắm nhiều cổ phiếu và chức vụ quan trọng tại HDBank. Sovico Holdings cũng là cổ đông sáng lập của Techcombank, VIB và Hãng Hàng không Vietjet Air.

Bên cạnh đó, DaiABank cũng công bố thông tin về việc thoái vốn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB). Theo đó, vì nhu cầu thoái vốn của ACB tại DaiABank và nhu cầu tái cơ cấu ngân hàng cùng với sự tham gia sâu sắc của cổ đông chiến lược mới vào đề án, ông Từ Tiến Phát và ông Đặng Anh Mai (đại diện của ACB) đã từ nhiệm ngày 28/3 và 2/4.

Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2012, DaiABank dự định trình cổ đông thông qua kế hoạch năm 2013 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế còn 300 tỉ đồng, tăng 22% so với thực hiện năm 2012. Tỉ lệ cổ tức cũng giảm xuống còn 6%. Các chỉ tiêu khác như tổng huy động vốn cũng giảm từ 10.080 tỉ xuống 10.000 tỉ đồng và tổng cho vay giảm từ 10.000 tỉ xuống 9.500 tỉ đồng.

Ngoài ra, theo kết quả kinh doanh năm 2012 đã kiểm toán, tỉ lệ nợ xấu của DaiABank tăng từ 4,4% lên 5,28%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế lại giảm 20 tỉ từ 191 tỉ xuống còn gần 173 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 246 tỉ đồng, tương đương 49% kế hoạch năm. Theo giải trình của DaiABank, lý do chênh lệch số liệu nợ xấu sau hai lần công bố là do nhầm lẫn số liệu của hai phòng ban trong Ngân hàng.

Như vậy sau nhiều tháng tìm hiểu và đại diện 2 bên vẫn để ngỏ chuyện sáp nhập, nay cuộc họp ĐHCĐ lần thứ 2 của DaiABank đã cho thấy những biến chuyển chính thức về cuộc hôn nhân tự nguyện giữa hai Ngân hàng. Mặc dù HĐQT DaiABank chưa cung cấp Đề án tái cơ cấu và không khẳng định chuyện sáp nhập với HDBank nhưng trong tài liệu gửi cổ đông, lãnh đạo Ngân hàng này ngỏ ý sẽ có sự tham gia sâu của các cổ đông mới.

Cuối tháng 4, lãnh đạo của Ngân hàng Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) tiết lộ kế hoạch sáp nhập với DaiABank. Tuy nhiên, việc sáp nhập này mới được Ngân hàng Nhà nước thông qua về mặt chủ trương.

Trước đó, ĐHCĐ lần một của nhà băng này bất thành do nhiều cổ đông lớn vắng mặt. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân nhóm cổ đông này không tham dự là chưa nhất trí với chương trình nghị sự và các báo cáo của HĐQT. Tuy nhiên, HĐQT DaiABank ngay sau đó đã lên tiếng phủ nhận.