Điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015:

Vững tay lái - Cập bến thành công

Theo thoibaonganhang.vn

Trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chèo lái, điều hành chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quyết liệt triển khai đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ

Trong giai đoạn đầu của thời kỳ 2011-2015, tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nền kinh tế trong nước bộc lộ nhiều bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao, kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, thị trường bất động sản “đóng băng”, cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao, tỷ giá biến động và chịu nhiều sức ép, dự trữ ngoại hối nhà nước ở mức thấp, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) gặp khó khăn về thanh khoản, quản trị yếu kém, nợ xấu gia tăng ở mức báo động, an toàn hệ thống đáng lo ngại, kỷ luật - kỷ cương thị trường tiền tệ bị phá vỡ.

Để vượt qua tình thế khó khăn, NHNN đã có sự đổi mới mạnh mẽ việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường, từng bước chuyển từ cơ chế điều tiết theo khối lượng sang điều hành theo lãi suất.

Cụ thể, NHNN đã thực hiện công bố định hướng điều hành lãi suất và triển khai đồng bộ các biện pháp để đạt mục tiêu là giảm dần mặt bằng lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân; tiến hành điều chỉnh linh hoạt các mức lãi suất điều hành, kết hợp với áp dụng biện pháp hành chính phù hợp theo diễn biến thị trường.

Cùng với nỗ lực giảm lãi suất huy động, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, triển khai hàng loạt chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi.

NHNN đã chỉ đạo toàn Ngành triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần khơi thông dòng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và một số chương trình kinh tế trọng điểm, phù hợp với tính đặc thù về ngành nghề và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng như yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là những mắt xích kinh tế quan trọng, từng bước tạo ra sự phát triển đồng bộ và cân đối trong nền kinh tế quốc dân.

Song song với đó, ngành Ngân hàng quyết liệt thực hiện công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhằm lành mạnh hóa hoạt động và tài chính của các NHTM, thiết lập lại sự an toàn của hệ thống ngân hàng, thiết lập lại kỷ cương, trật tự và nguyên tắc thị trường trong hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt trong bối cảnh năm 2011, trước khi tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, lạm phát đang ở mức rất cao, khoảng 20%, lãi suất cho vay lên tới 26%, lãi suất liên NH có thời điểm lên tới 35%. Hệ thống NHTM rơi vào nguy cơ mất thanh khoản, không chỉ đối với các ngân hàng nhỏ.

Trong các năm 2011-2012, các NHTM đua nhau tăng lãi suất, doanh nghiệp và người dân hằng ngày chỉ lo đi rút tiền gửi từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác. Lãi suất ngắn hạn lại cao hơn lãi suất dài hạn, khiến cho đường cong chuẩn về lãi suất của hệ thống NHTM sụp đổ. Hầu hết các NHTM đều rơi vào tình trạng vô kỷ luật khi lao vào cuộc chạy đua lãi suất.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song NHNN buộc phải vừa tiến hành tái cấu trúc vừa phải đảm bảo, củng cố thanh khoản để lấy lại niềm tin của người gửi tiền, đồng thời xử lý ngay lập tức các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa các NHTM nhằm chấn chỉnh quản trị rủi ro, chấn chỉnh kỷ cương – kỷ luật trên thị trường tài chính.

Nhìn lại kết quả đạt được, hệ thống các TCTD cơ bản được sắp xếp lại với hàng loạt thương vụ hợp nhất, sáp nhập, mua lại nhằm nâng cao chất lượng và tăng quy mô ngân hàng cũng như thanh lọc các ngân hàng yếu kém. Từ 42 ngân hàng thương mại, đến nay còn 34. Số ngân hàng do NHNN sở hữu 100% vốn tăng từ 1 (Agribank) lên 4 sau khi NHNN đứng ra mua lại GP Bank, VNCB và Ocean Bank với giá 0 đồng như một hình thức xử lý bắt buộc.

Cách làm này được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đánh giá là giải pháp tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát. Về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được tình hình các ngân hàng yếu kém.

Đồng tình của các chuyên gia trong công tác điều hành của NHNN

Nhìn lại hoạt động ngân hàng 5 năm vừa qua có thể chia thành 2 giai đoạn: 2011-2012 và 2013-2015. Trong đó, giai đoạn 2 năm đầu 2011-2012 có thể nói là vô cùng khó khăn, bất ổn. Giai đoạn sau có sự khởi sắc mạnh mẽ và NHNN đã sử dụng quyết liệt và khá tốt các công cụ của chính sách tiền tệ để xử lý vướng mắc, khó khăn, ổn định tình hình, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả và đã đạt được nhiều khả quan và được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao.

Bà Natasha Ansell - Tổng Giám đốc CitiBank tại Việt Nam rất ấn tượng với sự minh bạch, rõ ràng và nhất quán mà NHNN thể hiện trong việc điều tiết chính sách tiền tệ năm 2015. NHNN đã chủ động đưa ra những điều tiết quan trọng phản ứng kịp thời trước những thay đổi rất nhanh của thị trường tài chính thế giới. Và kết quả như mọi người đều thấy, Việt Nam năm 2015 đã đạt được mục tiêu tăng trưởng ổn định, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào nền kinh tế.

Trong Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á gần đây, ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,5% cho năm 2015 và 6,6% cho năm 2016. Kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát đã được kiểm soát và nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Báo cáo cho rằng, có được những kết quả khả quan này là do sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, đặc biệt là vai trò của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Các chuyên gia trong nước cho rằng, giai đoạn 2011-2015, kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều những khó khăn xuất phát từ cả bên trong lẫn bên ngoài nền kinh tế. Đặc biệt, kinh tế trong nước bộc lộ bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao, thị trường bất động sản “đóng băng”, cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao, tỷ giá biến động...

Trong bối cảnh đó, NHNN đã chèo lái, điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, về cơ bản đã thực hiện được mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế Việt Nam nói chung, khu vực tài chính nói riêng.

Theo nhận xét của các chuyên gia trong nước, trong thời gian qua, NHNN thực hiện chính sách tiền tệ khá thành công. Điều này xuất phát từ lựa chọn mục tiêu chính xác nên có cách thức điều hành thích hợp. Cùng với đó là hài hòa trong sử dụng biện pháp hành chính kiên quyết với biện pháp kinh tế mềm dẻo.

Có thể nói, chính sách tiền tệ 5 năm qua của NHNN chưa bao giờ đạt được sự đồng thuận đến như vậy, từ Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các địa phương, đến các doanh nghiệp đều hưởng ứng chính sách tiền tệ, cùng phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD.

Như vậy, việc điều hành quyết liệt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua là đúng đắn, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và đã đạt được nhiều thành tích, tạo điều kiện cho hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế trong thời gian tới.