Vượt Thái Lan, giữa đại dịch gạo Việt Nam ngược dòng ghi dấu ấn
Trúng mùa, được giá, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam vượt Thái Lan, vươn lên vị trí số 2 thế giới trong bối cảnh chống đại dịch Covid-19 toàn cầu.
Giá gạo vượt cả Thái Lan và Ấn Độ
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm mạnh về xuất khẩu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì xuất khẩu gạo lại ngược dòng, tăng trưởng cao nhất.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), 7 tháng năm 2020, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 3,9 triệu tấn, thu về 1,9 tỷ USD. Đáng chú ý, dù khối lượng gạo xuất khẩu giảm 1,4% nhưng lại tăng tới 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Ấn tượng nhất là thị trường Trung Quốc khi tăng trưởng rất mạnh cả về lượng lẫn giá trị xuất khẩu. Năm 2019, lượng gạo Việt xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân này giảm mạnh, song nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu tới 458.000 tấn gạo, tăng 88,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp sau đó là Philippines, khi xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam sang thị trường này đạt 1,4 triệu tấn và 634,3 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng 30,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Bảng giá gạo xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cập nhật ngày 14/8 cho thấy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 493-497 USD/tấn, còn giá gạo cùng loại của Thái Lan chỉ đạt 473-477 USD/tấn; gạo Pakistan từ 423-427 USD/tấn, gạo Ấn Độ giá 378-382 USD/tấn.
Theo VFA, trong 3 cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới là Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đang ở mức cao nhất, hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan 20 USD/tấn, Pakistan 70 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 115 USD/tấn.
Bộ NN-PTNT cho biết, với khối lượng và giá trị gạo xuất khẩu trong 7 tháng năm 2020, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.
Một chuyên gia về phát triển thị trường nông sản nhận định, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây do nhu cầu trên thế giới tăng cao, trong khi nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan vẫn bị hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng gạo Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng gạo thơm, được nâng cao cũng hỗ trợ đẩy giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng.
Vị này dự báo, từ nay đến cuối năm, giá gạo của Việt Nam có thể tăng thêm bởi một số nước đang giảm xuất khẩu, trong khi nhu cầu gạo trên thế giới tăng cao.
Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, trong năm 2020, sản lượng gạo thế giới ước đạt 495,2 triệu tấn, giảm khoảng 0,3% và tiêu dùng gạo thế giới ước đạt 490,4 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.
Thương lái đặt cọc mua lúa từ lúc còn xanh
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, xuất khẩu gạo tăng trưởng cao kéo giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL tăng trong tháng 7. Cụ thể, giá lúa tăng từ 200-500 đồng/kg lên mức 5.000-6.700 đồng/kg tùy loại.
Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Trung Thạnh (Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ), chia sẻ, vụ thu đông năm nay, gia đình ông gieo cấy 6ha. Hiện lúa vẫn còn xanh nhưng thương lái đã đặt tiền mua lúa tươi tại ruộng giá 5.700 đồng/kg, cao hơn 500-700 đồng/kg so với năm trước.
Tại xã Phú Điền (Tháp Mười, Đồng Tháp), nhiều hộ trồng lúa cũng thừa nhận lúa mới trổ bông, đang vào hạt nhưng thương lái cũng đã đặt mua với giá cao.
Không chỉ trúng giá, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang Võ Thị Thanh Vân còn cho biết, lúa năm nay trúng mùa lớn.
Bà Vân thông tin, 98% trên tổng diện tích 230.000 ha lúa của toàn tỉnh An Giang đã thu hoạch, năng suất ước đạt 5,53 tấn/ha, cao hơn từ 80-150 kg/ha so với vụ lúa hè thu năm 2019.
Theo kịch bản tăng trưởng của ngành nông nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi đầu tháng 8, vụ thu đông ở ĐBSCL với kế hoạch đầu năm là 720.000 ha. Tuy nhiên, vụ đông xuân và một phần vụ hè thu kết thúc sớm, thị trường gạo đang có tín hiệu tốt, do đó sẽ chủ động tăng diện tích lên 800.000-820.000ha (tăng so với kế hoạch 80.000-100.000ha).
Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo các địa phương tăng cường diện tích gieo trồng để bảo đảm tăng trưởng của ngành, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, Hiệp định EVFTA có hiệu lực mở ra "cánh cửa" cho gạo Việt Nam vào EU với hạn ngạch 80.000 tấn/năm, thuế suất 0%.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, trong 80.000 tấn gạo Việt Nam được phía EU cấp hạn ngạch thuế quan hàng năm, chỉ có 30.000 tấn gạo thơm. Đây là số lượng nhỏ, nhưng nếu Việt Nam tận dụng tốt sẽ tạo cơ hội lớn hơn nhiều cho xuất khẩu gạo vào EU những năm sau này.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, năm nay lúa trúng mùa, nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội ở các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thì kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 3,9 tỷ USD.