"World Bank Trung Quốc" có thêm 4 đồng minh của Mỹ tham gia
(Tài chính) Ba quốc gia Pháp, Đức và Ý đã đồng ý theo Anh tham gia vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ Tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu, phớt lờ nỗ lực phản đối từ phía Mỹ.
Quyết định của 4 cường quốc châu Âu là một cú giáng mạnh đối với nỗ lực từ phía Mỹ phản đối các quốc gia đồng minh tham gia vào định chế tài chính này. Thậm chí, quyết định này của châu Âu có thể sẽ khuyến khích các đồng minh khác của Mỹ đưa ra quyết định tham gia vào AIIB.
Phía Mỹ một lần nữa kêu gọi các quốc gia cân nhắc lại thật kỹ quyết định của mình.
AIIB được cho là “đối thủ” tiềm năng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và thách thức đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) – những tổ chức hiện dưới sự ảnh hưởng đáng kể từ phía Mỹ.
Trung Quốc thành lập Ngân hàng AIIB vào tháng 10/2014. Đây là một trong những nỗ lực để gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên khu vực và trên thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang mời gọi các quốc gia khác tham gia với tư cách là các thành viên sáng lập, thời hạn đến 31/3. Với mức vốn hóa ban đầu 50 tỷ USD, Ngân hàng này sẽ tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới.
Phía Mỹ lo ngại rằng, “World Bank Trung Quốc” có thể đưa ra những tiêu chuẩn khác trong bối cảnh cạnh tranh cho các nguồn tài trợ cho các dự án phát triển từ khu vực tư nhân đang ngày càng trở nên gay gắt. Thêm vào đó, Mỹ cũng lo ngại rằng sức ảnh hưởng của Mỹ thông qua World Bank và ADB sẽ suy giảm.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đầu tuần cho biết rằng, các định chế tài chính mới phải kết hợp các tiêu chuẩn mà cộng động quốc tế đã chung tay xây dựng và AIIB cũng cần phải áp dụng các tiêu chuẩn cao như vậy.
Cũng giống quan điểm của Anh, Đức cho rằng, tham gia vào AIIB ngay từ giai đoạn đầu tiên có thể giúp ngân hàng hoạt động với tiêu chuẩn cho vay và minh bạch cao hơn.
Các quan chức châu Âu cho biết nhanh chóng tham gia vào ngân hàng này có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế của họ. Chính phủ Anh cho biết mong muốn trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng đầu tại châu Âu đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Đức, chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu của Đức.
Trung Quốc đã vận động các quốc gia tham gia vào AIIB với lý do rằng, Ngân hàng này sẽ đáp ứng một phần lớn nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng và các quốc gia sáng lập sẽ tham gia vào việc đưa ra tiêu chuẩn minh bạch và các vấn đề quản trị đối với ngân hàng này.
Oxford Economics và PwC dự báo rằng, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2014-2025 ước khoảng 78.000 tỷ USD, với 60% nhu cầu vốn đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Do vậy, Trung Quốc đã tập trung thu hút sự chú ý từ các quốc gia đồng minh chính của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đó là Hàn Quốc và Úc – hai quốc gia hiện đang chịu áp lực phản đối từ phía Mỹ. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc mới đây cũng cho biết, để đưa ra quyết định này cần thời gian; còn phía Úc nói rằng, Chính Phủ sẽ cân nhắc việc có tham gia AIIB hay không.
Đầu năm nay, Trung Quốc cho biết đã có 26 quốc gia đã tham gia là thành viên sáng lập ra AIIB, chủ yếu là từ châu Á và Trung Đông.