WTO tuyên Mỹ sai khi áp thuế hàng Trung Quốc, Trump nói "sẽ xem xét"
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 15/9/2020 cho biết, Mỹ đã vi phạm các quy tắc quốc tế khi áp thuế hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018, châm ngòi cho chiến tranh thương mại giữa hai bên sau đó.
Động thái từ WTO đã khiến Washington "nhíu mày", khi chính quyền Tổng thống Trump cho rằng, việc áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc cách đây 2 năm là hợp lý, vì Trung Quốc đã đánh cắp tài sản trí tuệ và cưỡng bức các doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ.
Theo Bloomberg, trong phản ứng đầu tiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố, phán quyết trên là không công bằng và WTO đã thiên vị Trung Quốc. Ông nhấn mạnh, Mỹ "phải có quyền tự vệ trước các quy tắc thương mại không công bằng và chính quyền Tổng thống Trump sẽ không để Trung Quốc lợi dụng WTO nhằm chiếm lợi trước các công nhân, doanh nghiệp, nông dân cũng như chủ trang trại Mỹ".
Riêng Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày cho biết ông không biết về phán quyết của WTO nói sẽ xem xét phán quyết này, đồng thời nhắc lại rằng, ông không phải một "fan" của WTO. "Chúng ta sẽ xem xét nó (phán quyết). Nhưng tôi không phải là một người hâm mộ của WTO - đó là điều tôi có thể nói ngay bây giờ", ông Trump nói.
"Rồi chúng ta sẽ phải làm gì đó với WTO, vì họ đã để Trung Quốc thoát tội giết người", ông chủ Nhà Trắng nói thêm.
Theo Reuters, phán quyết của WTO được đưa ra bởi một hội đồng gồm ba chuyên gia thương mại, do Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của tổ chức này thành lập vào tháng 1/2019, nhằm xem xét việc chính quyền Trump áp thuế lên hơn 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, châm ngòi cho chiến tranh thương mại giữa hai bên sau đó.
Theo đó, hội đồng này cho rằng, Mỹ đã sai khi chỉ áp thuế lên Trung Quốc và mức thuế cũng cao hơn mức tối đa, vốn đã được Mỹ đồng ý. Sau đó, Washington cũng không đưa ra được đầy đủ lý do vì sao hành động áp thuế hàng Trung Quốc lại là một ngoại lệ hợp lý, hội đồng của WTO nói thêm.
Được biết, Tổng thống Trump đã sử dụng Điều 301 Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974, cho phép tổng thống Mỹ đánh thuế, hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu khác, bất cứ khi nào một quốc gia có hành vi thương mại không công bằng, ảnh hưởng tới thương mại Mỹ.
Dù việc sử dụng Điều 301 đã từng xảy ra, song điều khoản này hầu như không còn được chú ý nhiều từ những năm 1990, sau khi Mỹ đồng ý tuân thủ quy trình giải quyết tranh chấp của WTO, trước khi thực hiện bất cứ hành động trả đũa thương mại nào.
Ngược lại, phía Bắc Kinh tuyên bố hành vi áp thuế của Washington đã vi phạm nguyên tắc tối huệ quốc của WTO, khi hàng Trung Quốc phải chịu thuế khác với tất cả thành viên còn lại thuộc tổ chức này. Thêm vào đó, Bắc Kinh cho rằng Washington đã vi phạm quy trình giải quyết tranh chấp của WTO; trong đó, yêu cầu các nước trước hết phải đưa sự việc lên cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trước khi đánh thuế trả đũa nước khác.
Bình luận về phán quyết của WTO hôm qua, tờ Politico cho rằng, phán quyết của WTO đã một lần nữa đặt tổ chức này vào tầm công kích của Mỹ, và tăng thêm sự "thù hận" từ chính quyền Trump, khi ông chủ Nhà Trắng từng nhiều lần nói WTO làm ngơ trong suốt nhiều năm liền để Trung Quốc hành xử "không theo luật chung".
Theo bà Margaret Cekuta - một cựu quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, phán quyết của WTO có thể giúp thúc đẩy quyết định rời khỏi WTO của ông Trump hoặc củng cố lập luận của Mỹ về việc cải tổ cơ quan thương mại đã 25 tuổi này.
"Điều này (phán quyết) khiến chính quyền sở tại có thêm cơ sở để nói rằng WTO đã lỗi thời. Nếu họ không thể ra phán quyết về quyền sở hữu trí tuệ, thì vị trí của họ trong nền kinh tế rộng lớn hơn trong tương lai sẽ là gì?", Cekuta nói
Được biết, Washington có quyền phản đối phán quyết của WTO bằng cách nộp đơn kháng cáo vào bất kỳ lúc nào trong 60 ngày tới.