Xác định kinh tế biển là động lực để phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội
Tối 11/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức trọng thể lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự lễ mít tinh có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành phố ven biển, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đông đảo nhân dân trên địa bàn.
Phát triển bền vững kinh tế biển
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái Đất là cái nôi của sự sống, có vai trò quan trọng trong việc duy trì các hoạt động kinh tế, các giá trị văn hóa, tinh thần của con người.
Một nửa lượng ôxy của hành tinh được tạo ra từ đại dương. Đại dương cũng là nơi cư trú của hầu hết đa dạng sinh học trên Trái đất và là nguồn cung cấp protein chính cho hơn một tỷ người.
Tuy nhiên, đại dương hiện đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển.
Theo cảnh báo của Liên hợp quốc, 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy; ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương và con người đang lấy đi từ đại dương nhiều hơn những gì có thể được bổ sung.
Với những định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; gìn giữ hành tinh xanh, đại dương trong lành của toàn nhân loại.
Về phần mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp thực chất, hiệu quả với các ban, bộ, ngành và các địa phương trên cả nước trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và pháp luật quốc tế liên quan tới biển, đảo; khơi dậy niềm tự hào, phát huy tính sáng tạo, tinh thần lao động của nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam; từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân, đặc biệt là người dân ven biển.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ mít tinh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước là tập trung phát triển bền vững, toàn diện các ngành kinh tế biển, các vùng biển và hải đảo; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển; bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo bền vững đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên biển. Thúc đẩy, tạo động lực mạnh mẽ để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung, tăng cường triển khai đồng bộ các khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và hải đảo; tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, nhất là 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển cần đánh giá toàn diện, đầy đủ, cụ thể những cách thức trong công tác bảo vệ chủ quyền, khai thác bền vững tài nguyên biển, hải đảo; tình hình ô nhiễm môi trường biển, hải đảo của mỗi địa phương, từ đó có chính sách ưu tiên nhằm giải quyết một cách tổng thể, hiệu quả những thách thức đó.
Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cần xác định kinh tế biển là động lực để phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước nói chung, kinh tế của các địa phương nói riêng sau đại dịch; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, đặc biệt là các ngành kinh tế biển chủ đạo.
Đồng thời, cần xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển vững mạnh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo từ sớm, từ xa trong mọi tình huống; tăng cường quan hệ với các nước, các đối tác, nhất là các nước có tiềm lực về biển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Ông Trần Tuấn Anh nêu rõ, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành kinh tế biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển; khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương, trọng tâm là Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.