Xác định tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay đối với các giao dịch liên kết
Xác định tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay đối với các giao dịch liên kết của từng ngành, từng lĩnh vực; Nghiên cứu quy định tỷ lệ khống chế lãi vay trên lợi nhuận ròng thay vì tính trên lợi nhuận thuần như hiện nay... là những kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh liên quan đến các vấn đề quản lý thuế đối với các đơn vị có giao dịch liên kết.
Quản lý thuế đối với các đơn vị có giao dịch liên kết
Ngày 24/2/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các đơn vị có giao dịch liên kết, góp phần chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đã bám rất sát các khuyến nghị Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho phép cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với các giao dịch liên kết theo nguyên tắc giao dịch độc lập.
Bên cạnh đó, “Bản chất quyết định hình thức” trong giao dịch liên kết theo khuyến cáo của OECD đã được áp dụng sẽ góp phần chống chuyển giá hiệu quả hơn; Việc xác định bản chất quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại của giao dịch liên kết được thực hiện dựa trên so sánh, đối chiếu với các giao dịch độc lập có điều kiện tương đồng là công cụ rất hữu hiệu trong việc chống chuyển giá đang được OECD áp dụng.
Tuy nhiên, cử tri tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Cụ thể, việc khống chế chi phí lãi vay đối với các đơn vị có giao dịch liên kết chưa phù hợp với quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. Việc khống chế chi phí lãi vay không vượt quá 20% EBITDA sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vì đầu tư càng nhiều thì chi phí lãi vay không được tính là chi phí hợp lý càng lớn, dẫn đến mất vốn. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp trong thời kỳ đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh chưa có lợi nhuận hoặc lỗ thì đồng nghĩa toàn bộ chi phí lãi vay không được khấu trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cử tri tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc khống chế chi phí lãi vay đối với các đơn vị có giao dịch liên kết gây nên sự không bình đẳng giữa các doanh nghiệp độc lập và doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - con (vì doanh nghiệp độc lập không bị khống chế).
Ngoài ra, Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù, song Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Thông tư 41 không có quy định cụ thể giao dịch liên kết đặc thù là những giao dịch nào.
Trước những vấn đề trên, cử tri tỉnh Quảng Ninh đề nghị nên xem xét sửa đổi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP theo hướng trước mắt nên có hướng dẫn cụ thể về các giao dịch liên kết đặc thù để các đơn vị hiểu và áp dụng đúng. Đồng thời, về đối tượng áp dụng, đối với các đơn vị hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con nhưng có cùng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thì không thuộc đối tượng áp dụng Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị cần có khảo sát để xác định tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay đối với các giao dịch liên kết của từng ngành, từng lĩnh vực. Vì đối với lĩnh vực đầu tư cần vốn lớn hoặc kinh doanh thương mại thì chi phí lãi vay sẽ lớn hơn rất nhiều những ngành cần chi phí lao động sống. Nghiên cứu quy định tỷ lệ khống chế lãi vay trên lợi nhuận ròng thay vì tính trên lợi nhuận thuần như hiện nay, hoặc có thể bù trừ thu nhập và chi phí lãi vay, khi đó sẽ hạn chế nộp thuế trùng; Quy định mức trần chi phí lãi vay đối với các đơn vị sau khi đi vào hoạt động đã có hiệu quả, hết lỗ theo dự án; Nghiên cứu điều chỉnh Luật Doanh nghiệp và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp cho phù hợp...
Phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP cùng với các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý Thuế mới để đảm bảo là công cụ pháp lý chống chuyển giá hiệu quả, phù hợp với bối cảnh tình hình nền kinh tế Việt Nam và thông lệ quốc tế, trên nguyên tắc thống nhất với hệ thống chính sách pháp luật thuế và tạo ra môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Trả lời những băn khoăn của cử tri tỉnh Quảng Ninh, thông qua Công văn số 8504/BTC-TCT, Bộ Tài chính cho biết, xuất phát từ đặc thù của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cho các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo vùng, miền, lĩnh vực,… từ đó dẫn đến rủi ro về chuyển giá, qua công tác thanh tra - kiểm tra thuế, Bộ đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp có giao dịch liên kết lợi dụng các công cụ chuyển giá biến hóa phức tạp nhằm chuyển dịch lợi nhuận, tối thiểu hóa số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp dẫn đến hệ quả làm xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước, trong đó có việc sử dụng công cụ chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay giáp lưng do các đơn vị thuộc tập đoàn sắp xếp thông qua một bên độc lập.
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ việc cần thiết phải ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP/2017/NĐ-CP với mục tiêu xây dựng một công cụ pháp lý đủ mạnh để quản lý các doanh nghiệp có giao dịch liên kết và ngăn ngừa, xử lý các doanh nghiệp có hoạt động, hành vi sắp đặt các giao dịch để chuyển lợi nhuận.
Trong đó, quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được xây dựng dựa trên việc tiếp thu kết quả nghiên cứu của OECD/G20 tại Báo cáo Hành động BEPS số 4 về khuyến nghị các giải pháp ngăn ngừa chuyển lợi nhuận thông qua công cụ lãi vay hiện đang được các nước trên thế giới nghiên cứu và áp dụng, kết hợp với nguyên tắc ấn định thuế được quy định tại Luật Quản lý Thuế.
Trước khi trình Chính phủ ban hành Nghị định này, Bộ Tài chính cũng đã lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, đăng tải trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và đã được đại đa số thành viên Chính phủ biểu quyết thông qua. Việc Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP là chặt chẽ, có cơ sở pháp lý và tuân thủ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung của Nghị định phù hợp với thông lệ quốc tế đối với việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, các tập đoàn đa quốc gia.
Qua hai năm triển khai thực hiện Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng đã nhận được một số ý kiến từ các hiệp hội, doanh nghiệp về quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP với nội dung tương tự như kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP cùng với các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý Thuế mới để đảm bảo là công cụ pháp lý chống chuyển giá hiệu quả, phù hợp với bối cảnh tình hình nền kinh tế Việt Nam và thông lệ quốc tế, trên nguyên tắc thống nhất với hệ thống chính sách pháp luật thuế và tạo ra môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp.