Xây dựng chiến lược xuất khẩu theo giá CIF

Theo Nguyễn Hạnh/congthuong.vn

Nhu cầu thị trường thế giới tăng cao nhưng các nhà nhập khẩu trên thế giới hiện không muốn ký hợp đồng FOB (giao hàng tại boong tàu), mà yêu cầu bên bán phải chuyển sang giao hàng theo phương thức CIF. Với bất lợi về logistics, doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Giá bán tăng nhưng lợi nhuận không tăng

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá cước vận chuyển các tuyến châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container không được khắc phục dẫn đến tình trạng các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng FOB, mà muốn người bán chịu toàn bộ chi phí bao gồm vận tải, bảo hiểm… khiến xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn.

Trong nửa đầu năm 2021, đã có khoảng 35% số DN xuất khẩu cà phê chấp nhận chuyển sang giao CIF. Dù giá CIF hiện đạt bình quân 1.900 USD/tấn cà phê Robusta nhưng vì phải chịu thêm giá cước vận chuyển cao ngất ngưởng nên lợi nhuận không tăng.

Với ngành gỗ, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2020 xuất khẩu theo phương thức FOB đã chiếm tới 81,4% tổng giá trị xuất khẩu, trong khi xuất theo CFR, CIF và phương thức khác chiếm tỷ lệ nhỏ lần lượt ở mức 10,5%; 3,8% và 4,2%. Ông Nguyễn Liêm - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt ở Bình Dương- cho rằng, việc chuyển đổi phương thức xuất khẩu từ FOB sang CIF là không dễ dàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi việc này không chỉ phụ thuộc riêng vào năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác, bao gồm: Năng lực của các cảng biển, các doanh nghiệp logistics. “Doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thể chuyển sang bán CIF, nhưng đó là khi Việt Nam có các hãng tàu lớn chủ động được vấn đề logistics” - ông Liêm nhấn mạnh.

Rất cần sự hỗ trợ

Theo các chuyên gia, hiện, hầu hết các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn được thực hiện bằng phương thức vận tải đường biển. Thời điểm này, sức mua trên thế giới đang phục hồi trở lại. Nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên nhu cầu vận chuyển bằng đường biển cũng tiếp tục tăng khiến giá cước vận chuyển duy trì ở mức cao và đang tiếp tục tăng.

Xuất khẩu giá FOB, nhà nhập khẩu sẽ là người trả tiền cho vận chuyển và họ sẽ tính giá cước này vào giá thành. Việc giá cước tăng quá cao có thể khiến một số nhà nhập khẩu hủy đơn hàng, trong khi một số khác sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ chi phí. Thực tế này đang đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải thích nghi với tình hình mới, thậm chí chấp nhận một mặt bằng giá cước vận tải mới, với những phương thức giao hàng mới.

Ông Đỗ Xuân Lập- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho rằng, bán hàng theo giá CIF là “một chặng đường dài”. Trong đó, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan, bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng một chiến lược xuất khẩu theo giá CIF, cũng như triển khai các chương trình kết nối hệ thống vận tải trong nước và quốc tế với sự hợp lực, liên kết của các đơn vị làm dịch vụ logistics.