Doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu ổn định
Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài nhưng Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (Khu công nghiệp Giao Long) vẫn duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo đơn hàng xuất khẩu theo hợp đồng. Đồng thời, công ty khẩn trương thi công dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 3, dự kiến sẽ hoàn thành và vận hành vào cuối năm 2021.
Bánh quê… xuất khẩu
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong Phạm Văn Tứ cho biết: Đặc thù của doanh nghiệp (DN) là tập trung vào thị trường xuất khẩu. Sản phẩm khởi đầu của DN là gạo nguyên liệu xuất khẩu trực tiếp. Đây cũng là DN đầu tiên ở miền Nam được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cấp giấy phép xuất khẩu gạo trực tiếp.
Sau đó, ông chuyển sang các mặt hàng được chế biến từ gạo như: bánh tráng, bún tươi, bánh phở và hủ tiếu. Đến nay, DN đã có trên 20 năm duy trì ổn định và phát triển ngành hàng này trên thế giới, với thương hiệu chính là “Ba Cây Tre” nổi tiếng.
Sản phẩm Ba Cây Tre có mặt trên thị trường thế giới từ EU, Bắc Âu, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á… Trong đó, nhiều nhất là Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Úc. Chỉ tính riêng tại thị trường Hàn Quốc, công ty xuất khẩu bình quân từ 100 - 200 tấn/tháng.
Bình quân mỗi tháng, công ty tiêu thụ từ 1-2 ngàn tấn gạo nguyên liệu. Để đủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các nhà máy, mỗi năm, công ty thu mua hàng chục ngàn tấn lúa đặc sản của tỉnh (OC10) và Trà Vinh.
Theo ông Phạm Văn Tứ, gạo dự trữ 6 tháng mới đưa vào chế biến. Vì thế, yêu cầu phải có vốn lớn để dự trữ, ít nhất phải đảm bảo dự trữ 5 ngàn tấn. “Do đặc thù thổ nhưỡng của Bến Tre làm nên hạt gạo ngon, phù hợp để sản xuất các mặt hàng bún, hủ tiếu, phở nên công ty chọn tỉnh là vùng nguyên liệu chính để thu mua, chế biến và xuất khẩu...”, ông Tứ nhận định.
Tiếp nối những thành công trước đó tại nhà máy đặt tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, năm 2016, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong đã đầu tư dự án chế biến nông sản tại Khu công nghiệp Giao Long, với hơn 9ha. Trong thời gian ngắn, dự án hoàn thành và đi vào vận hành, với dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa, giải quyết khoảng 600 công nhân lao động tại địa phương.
Tại đây, Ban Giám đốc công ty chủ trương mở rộng sản xuất, chế biến nhiều sản phẩm từ các loại nông sản ở địa phương như: chuối, dừa, xoài, sầu riêng, dứa, đậu xanh, đậu phộng, dưa lưới, mãng cầu, bắp… Đây là những nguyên liệu được trồng rất nhiều ở tỉnh cũng như các tỉnh miền Tây mà theo cách nói của ông Tứ là: “Địa phương có nông sản gì thì công ty chế biến nấy để xuất khẩu, góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân”.
Hiện công ty làm rất nhiều loại bánh truyền thống dân dã, mộc mạc mà ai ai cũng có thể bắt gặp loại bánh ấy được bán ở các chợ quê. Điển hình như: bánh chuối, chuối nướng, bánh bèo, bánh bò, bánh khoai mì, bánh giá… Từ bánh đến các loại nước chấm kèm theo mỗi loại bánh đều được làm từ nguyên liệu thiên nhiên 100% rau, củ, quả - là những loại nông sản có rất nhiều ở nông thôn.
Cùng với việc duy trì nhiều sản phẩm bánh truyền thống của quê hương, ông Tứ cũng đã tái hiện thành công những ký ức tuổi thơ của nhiều người xa quê, với sản phẩm “cà-rem” được làm từ nhiều loại trái cây phổ biến ở quê như: sầu riêng, dưa lưới, cam, dừa, mãng cầu…
Thi công giai đoạn 3 giữa mùa dịch
Hiện Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong đang khẩn trương thi công giai đoạn 3, với hơn 8ha tại Khu công nghiệp Giao Long. Phấn đấu thi công hoàn thành để vận hành sản xuất vào cuối năm, với ít nhất 1 ngàn công nhân.
Theo ông Tứ, giai đoạn 1 và 2 có doanh thu đạt từ 700 ngàn đến 1 triệu USD/tháng. Kế hoạch giai đoạn 3 hoàn thành sẽ sản xuất các mặt hàng nước dừa, sữa dừa, dầu dừa tinh luyện. Công suất nhà máy giai đoạn 3, bình quân 200 tấn/ngày, đòi hỏi số công nhân lớn. Dự kiến, xuất khẩu 100 container hàng/tháng trở lên. Doanh thu năm 2022 phải đạt ít nhất từ 2 - 3 triệu USD/tháng trở lên.
Không dừng lại ở các sản phẩm từ dừa, hướng phát triển của Thuận Phong còn là các mặt hàng nước uống từ trái cây đóng hộp, nhiều mặt hàng từ nông sản, thực vật có thể dành cho người ăn chay, ăn kiêng trên toàn thế giới.
Để thi công giai đoạn 3 trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và thực hiện Chỉ thị số 16 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đội ngũ công nhân, kỹ sư cơ khí đều được trang bị điều kiện ăn, ngủ tại chỗ, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” theo tinh thần vừa sản xuất, vừa cách ly. Công ty có lực lượng y sĩ để chăm sóc sức khỏe người lao động. Kinh nghiệm duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh là quản lý công nhân rất chặt chẽ, nắm thông tin thật sát. Vùng nào có dịch, xa thì công ty cho nghỉ cách ly 21 ngày. Mặc dù dịch bệnh, nhưng việc sản xuất các đơn hàng đảm bảo, xuất khẩu ổn định. Doanh thu đơn vị duy trì, ổn định và tăng trưởng 20%.
Cùng với đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 3, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong đang đầu tư xây dựng khu nhà ở, nhà giữ trẻ là con của công nhân tại Khu tái định cư Khu công nghiệp Giao Long, với tổng chi phí đầu tư trên 100 tỷ đồng.