Xây dựng chuỗi cung ứng nội địa vững chắc – cơ hội cho doanh nghiệp Việt từng bước làm chủ
Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng điều quan trọng hơn là phải xây dựng được chuỗi cung ứng nội địa vững chắc. Điều này không chỉ giúp nền kinh tế giảm phụ thuộc, mà còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt từng bước làm chủ công nghệ, thị trường và tăng giá trị gia tăng.
Đó là quan điểm chia sẻ của TS. Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên Đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Tọa đàm và gặp mặt báo chí Chuỗi sự kiện quốc tế 2025 diễn ra ngày 27/5.
Doanh nghiệp đầu ngành sẽ lan tỏa cho các doanh nghiệp nhỏ hơn
Nói về vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nội địa, đặc biệt trong bối cảnh phát triển công nghiệp và nâng cao năng lực tự chủ nền kinh tế, TS. Lương Minh Huân cho rằng, các doanh nghiệp đầu ngành, các doanh nghiệp dẫn dắt rất quan trọng. Họ không chỉ là người kết nối, mà còn là trung tâm lan tỏa công nghệ, vốn, năng lực vận hành và đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Để doanh nghiệp phát huy tốt vai trò của mình, theo ông Huân, Nhà nước cần tiếp tục đóng vai trò tạo nền tảng – hỗ trợ về mặt tài chính, hạ tầng, phát triển nhân lực, đồng thời thúc đẩy tư tưởng hội nhập và hợp tác liên kết. Còn các hiệp hội ngành nghề đóng vai trò then chốt trong kết nối, truyền thông, định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
Một vấn đề khiến TS. Lương Minh Huân còn nhiều băn khoăn là mặc dù hiện nay đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp trong nước, nhưng tỷ lệ nội địa hóa ở nhiều ngành vẫn còn thấp.
Điển hình là trong những lĩnh vực như điện tử – vốn có giá trị xuất khẩu cao – tỷ lệ nội địa hóa thực chất chỉ ở mức khoảng 15%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra là 45% vào năm 2020. Nhiều doanh nghiệp trong nước chủ yếu tham gia vào các khâu lắp ráp, gia công đơn giản và còn phụ thuộc nặng vào linh kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu.
“Một thực tế đáng lưu ý là nhiều số liệu nội địa hóa hiện nay được tính cả phần do doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam. Đây không phải là nội địa hóa thực sự, bởi phần lớn các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa làm chủ được công nghệ, thiết kế hay cung ứng vật tư đầu vào”, ông Huân nói.
Đưa chính sách đến đúng doanh nghiệp cần - đúng thời điểm - đúng nhu cầu
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực thi mạnh mẽ và hiệu quả, đặc biệt là đưa chính sách đến đúng doanh nghiệp cần – đúng thời điểm – đúng nhu cầu
TS. Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI
Ngày 4/5, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, đặt mục tiêu rõ ràng về phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và tăng năng lực làm chủ công nghệ trong nước. Theo lộ trình, đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu có một số doanh nghiệp lớn đủ năng lực làm chủ chuỗi sản xuất trong nước. Và đến năm 2030, kỳ vọng có ít nhất 20 doanh nghiệp đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong vai trò trung tâm.
Theo TS. Lương Minh Huân, để đạt được mục tiêu đó, các chính sách như hỗ trợ tín dụng, đào tạo nhân lực, nâng cao năng suất chất lượng cần tiếp tục được thực thi mạnh mẽ và hiệu quả, đặc biệt là đưa chính sách đến đúng doanh nghiệp cần – đúng thời điểm – đúng nhu cầu.
Từ các vấn đề thực tế và với kinh nghiệm của một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Viện trưởng Lương Minh Huân cho rằng, chúng ta nên tập trung vào phát triển các doanh nghiệp trụ cột trong ngành, đồng thời hỗ trợ hệ sinh thái vệ tinh xung quanh họ. Bên cạnh đó, thúc đẩy chia sẻ thông tin, công cụ, nền tảng số hóa quản trị, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa – những đối tượng chịu nhiều hạn chế về nguồn lực. Tăng cường hợp tác giữa các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp đầu ngành, để khắc phục một “rào cản văn hóa” rất phổ biến hiện nay - đó là thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp cùng khu vực dù có năng lực bổ trợ lẫn nhau.